Hội nhập toàn cầu và sự phát triển của giáo dục đã đặt những người làm công tác giảng dạy trước một bối cảnh mới với nhiều yêu cầu hơn. Ngoài kỹ năng giảng dạy thông thường, các giáo viên còn phải trang bị thêm nhiều kỹ năng sư phạm khác nữa để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy.
Không ai có thể phủ nhận sự ảnh hưởng sâu rộng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đến tất cả các ngành nghề, và sư phạm cũng không là ngoại lệ. Nếu trước kia, các giáo viên chỉ cần những kỹ năng sư phạm cơ bản như kỹ năng giảng dạy, kỹ năng lắng nghe… thì trong thời đại mới, các giáo viên còn phải trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng chuyên môn khác nữa để theo kịp với thay đổi chung của xã hội. Trong số đó, không thể không nhắc đến 3 kỹ năng nền tảng nhưng quan trọng nhất dưới đây.
Kỹ năng tự học
Học hỏi là một quá trình không có điểm dừng, chính vì vậy bản thân giáo viên nên hình thành và duy trì nhận thức không ngừng tự học hỏi và hoàn thiện suốt đời nếu không muốn mình trở thành một người “đi sau”. Dù đứng ở bất kỳ cương vị nào, là giáo viên thực tập hay giáo viên chính thức thì mỗi giáo viên luôn phải trang bị cho mình kỹ năng tự học.
Những kiến thức học ở giảng đường chỉ là những kiến thức nền tảng và sự thay đổi trong giáo dục để phù hợp vời thời đại là điều tất yếu xảy ra, vì vậy giáo viên phải không ngừng trau dồi, cập nhật những kiến thức chuyên ngành, kỹ năng, công nghệ mới nhất để kịp thời để làm tốt việc giảng dạy của mình.
Kỹ năng tin học
Khoa học máy tính và các ứng dụng của nó vào công việc và cuộc sống đã không còn xa lạ đối với giáo viên, đặc biệt là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay. Chính vì vậy, kỹ năng tin học là kỹ năng sư phạm thứ hai mà các giáo viên nên có bên cạnh chuyên ngành sư phạm.
Những phương pháp giảng dạy thụ động, thiếu sự tương tác trong lớp học đã được thay thế bằng những pháp giảng dạy linh hoạt hơn, mang tính tương tác cao hơn. Học sinh thích được tiếp nhận kiến thức bằng nhiều cách thức khác nhau với sự kết hợp của công nghệ mới, nâng cao tính trực quan. Đây cũng là cách để giáo viên truyền tải nội dung bài học một cách hiệu quả nhất đến học sinh và giúp phát triển tư duy cũng như sự tự khám phá, tìm hiểu của các em.
Với sự bùng nổ của kỹ thuật số và tài liệu mở toàn cầu, việc thành thạo kỹ năng tin học còn giúp giáo viên có thể tham khảo được nhiều nguồn tư liệu phong phú và tiếp cận nhiều kiến thức tiến bộ trên thế giới.
Kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề
Có lẽ nhiều giáo viên sẽ ngạc nhiên khi thấy kỹ năng giao tiếp xuất hiện trong danh sách các kỹ năng cần phải có của giáo viên trong thời hiện đại. Nghe thì có vẻ lạ nhưng theo các nhà nghiên cứu giáo dục kinh nghiệm nhận định thì đây lại là một kỹ năng sư phạm bắt buộc mà các giáo viên phải có.
Giáo viên không chỉ giao tiếp với học sinh, với đồng nghiệp, nhà trường mà còn với phụ huynh học sinh. Với mỗi nhóm đối tượng thì giáo viên cần có những cách linh hoạt khác nhau để duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ. Vì vậy, nếu giáo viên có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ thuận lợi hơn trong công việc.
Hơn thế nữa, ở lứa tuổi học sinh với những thay đổi về cả thể chất lẫn tâm lý, nhiều vấn để phức tạp theo đó có thể xảy ra. Lúc này nhiệm vụ của giáo viên không chỉ là giảng dạy mà còn thành cầu nối vừa lắng nghe, vừa truyền tải thông điệp giáo dục vừa định hướng các em. Cũng chính vì thế, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh càng trở nên quan trọng để nhà trường và phụ huynh cùng đồng hành trong việc giáo dục và dạy dỗ các em học sinh.
Hy vọng với chia sẻ về 03 kỹ năng sư phạm trên, các giáo viên sẽ bổ sung và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn để trở thành những giáo viên giỏi, những người bạn thân thiết của học sinh và là những đồng nghiệp đáng tin cậy.