.
GD&TĐ - Diễn ra cùng lúc ở 63 tỉnh/thành với hơn 1 triệu thí sinh, tốt nghiệp THPT là kỳ thi lớn nhất trong năm...
Ảnh minh hoạt ITN
Kỳ thi huy động đông đảo lực lượng trong, ngoài ngành Giáo dục cùng tham gia tổ chức với khoảng 250 nghìn người; chiếm số lượng lớn nhất là cán bộ coi thi.
Tính chất quan trọng của kỳ thi, mức độ quan tâm của từng gia đình và xã hội đặt lên vai những người làm công tác tổ chức trọng trách lớn: Không được để xảy ra sự cố dù là nhỏ nhất, đặc biệt sai sót có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Bởi vậy, một trong những yêu cầu tiên quyết với người làm công tác này là phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm cao và nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi.
Quan điểm “con người là yếu tố quyết định thành công kỳ thi” luôn được nhấn mạnh cả trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ trước đến nay. Lựa chọn nhân lực là khâu trọng yếu; sau đó là quán triệt quy chế, tập huấn để từng người nắm chắc, hiểu rõ phần việc của mình. Việc này được các địa phương hoàn tất chậm nhất là ngày 24/6 để Ban Coi thi có thể bắt đầu làm việc ngay ngày hôm sau.
Tất cả công việc, nhiệm vụ, quy trình làm việc của người làm công tác thi, trong đó có cán bộ coi thi được quy định, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết trong Quy chế, Hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, có lẽ ít ai, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm dám chủ quan khi bước vào một kỳ thi mới. Bởi lẽ, tình huống bất ngờ, không có trong kịch bản có thể xảy ra bất cứ lúc nào để thử thách bản lĩnh của người trong cuộc.
Năm 2019, trong quá trình phát đề thi THPT quốc gia, cán bộ coi thi đã phát 2 đề thi (dính vào nhau) cho một thí sinh; một cán bộ khác thì phát nhầm mã đề. Năm 2020, 7 phòng thi với 117 thí sinh đã phải thi lại môn Địa lý vì sai sót trong nghiệp vụ của giáo viên làm chậm thời gian làm bài của thí sinh từ 3 - 5 phút. Cũng năm đó, do thiếu đề thi của các bài thi tổ hợp, thí sinh tại 1 điểm thi phải ngồi đợi gần 1 tiếng mới được làm bài…
Một số thầy cô chia sẻ, lỗi cán bộ coi thi hay mắc phải như đi lại trong phòng thi quá nhiều; thiếu kiểm tra, đối chiếu thông tin trong bài thi và phiếu thu bài; chủ quan, dựa vào kinh nghiệm, cảm tính… Trong tài liệu nghiệp vụ coi thi cũng đưa ra một số tình huống hay gặp phải và cách xử lý, như: Cán bộ coi thi ký nhầm giấy làm bài của thí sinh; đánh sai số thứ tự bài thi; thay đổi chỗ ngồi cho nhiều thí sinh (do mưa, dột…); trong khi thi, thí sinh muốn xin thêm hoặc đổi giấy thi…
Thực tế cho thấy, những sai sót nhỏ thành lớn thường do cán bộ coi thi tự ý xử lý tình huống - có thể do nắm không chắc quy định, hoặc do sợ trách nhiệm. Bởi vậy, bình tĩnh trước sự việc và nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Hội đồng để có phương án xử lý phù hợp là điều bắt buộc phải làm để không làm trầm trọng thêm sự việc.
Tất cả những gì người làm công tác thi, đặc biệt cán bộ coi thi cần ghi nhớ, thực hiện nghiêm túc có thể gói gọn trong nguyên tắc “4 đúng, 3 không” được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nhiều lần nhấn mạnh.
Theo đó, cần đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường; không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức. Thực hiện được điều này sẽ bảo đảm cho thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.