Cần cán bộ tâm lý học đường chuyên trách

GD&TĐ - Hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học ngày càng thể hiện vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay; đặc biệt khi dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh.

 

Tham vấn tâm lý học đường tại Trường THCS-THPT Ban Mai.

Học sinh cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần

Là cán bộ làm công tức tham vấn tâm lý học đường, ThS Phạm Bích Diệp (phòng Tham vấn tâm lý, Trường THCS – THPT Ban Mai, Hà Nội) khẳng định nhu cầu ngày càng cấp thiết của hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học thời điểm hiện nay.

Xã hội biến đổi rất nhanh, kéo theo nhiều vấn đề hơn. Học sinh ở lứa tuổi thành niên, dậy thì, diễn biến tâm lý phức tạp hơn rất nhiều; các con lớn rất nhanh và có nhiều nguy cơ đe dọa mỗi ngày ở bên ngoài xã hội. Ví dụ, nguy cơ bị xâm hại cả ngoài đời thực cũng như trên mạng, bạo lực học đường, lo âu, trầm cảm… Thực tế đó đòi hỏi cán bộ làm chuyên môn về tâm lý cần cập nhật chuyên môn thường xuyên, kịp thời.

Như sau dịch bệnh Covid, do trẻ ở nhà nhiều, việc học tập bị đứt quãng, khó bắt nhịp lại, không theo kịp dẫn đến áp lực. Việc ở nhà nhiều cũng gây sức ì lớn, lười, mất động lực. Có nhiều trẻ chơi game nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách. Mọi người ở bên nhau nhiều cũng đôi khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, trẻ có thể bị tổn thương.

Hậu bão lũ: những đứa trẻ ở tâm lũ bị mất nhà cửa, sách vở…gây xáo trộn cuộc sống, mất ổn định tâm lý. Tệ hơn có những em bị mất gia đình, người thân sẽ là những vết thương rất khó lành.

Theo cô Diệp, trường hợp này, gia đình và nhà trường cần nhanh chóng giúp ổn định lại cuộc sống cho các con, tìm mọi nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để các con bắt nhịp lại cuộc sống. Đặc biệt với những trẻ bị tổn thương tinh thần do sự mất mát gia đình thì cần đặc biệt chú ý quan tâm hơn, không chỉ về kinh tế mà quan trọng là sự an ủi và theo sát về mặt tinh thần để các con có thể phục hồi.

Với các trường vừa trải qua thiên tai, thầy cô thay vì ưu tiên kiến thức, nên ưu tiên hơn đến bình ổn lại tâm lý của học sinh, dành nhiều thời gian nói chuyện với học trò, để các em thấy mình được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm. Khó khăn nhất là những đứa trẻ bị mất gia đình, các em càng cần sự quan tâm sát sao hơn của thầy cô; nhưng tốt nhất, các em cần được điều trị tâm lý chuyên sâu để chữa lành những tổn thương tinh thần.

“Học sinh nhiều khi ở nhà không thể nói chuyện với bố mẹ, đến trường cũng không nói được với thầy cô, bạn bè. Các con rất cần có một nơi để được lắng nghe, chia sẻ, tìm các giải pháp cho bản thân. Điều này có khó thể tìm thấy ở bạn bè xung quanh, hoặc thầy cô, cha mẹ không có chuyên môn về tâm lý. Sự có mặt của một bộ phận, có những cán bộ chuyên môn sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.

Tôi cho rằng, hoạt động này cần được triển khai rộng ở các trường học và phải được đầu tư cả về tài chính và nhân lực chuyên môn (có cơ sở vật chất phù hợp, bảo đảm riêng tư, thân thiện, có cán bộ chuyên trách, có chuyên môn chứ không phải là giáo viên kiêm nhiệm).” – ThS Phạm Bích Diệp nêu quan điểm.

ThS Phạm Bích Diệp

Còn nhiều khó khăn

Chia sẻ điều khó khăn, trăn trở nhất khi làm công tác tham vấn tâm lý cho học sinh, ThS Phạm Bích Diệp cho rằng, đó là sự phối hợp không kịp thời, nhịp nhàng của các bên liên quan trong quá trình can thiệp trẻ đặc biệt là sự phối hợp của gia đình.

Hiện các bậc cha mẹ rất bận rộn với công việc của mình, nhiều khi chưa theo sát con, xao nhãng con, chưa có được sự phối hợp cần thiết; từ đó không nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của đứa trẻ. Nhiều khi có ca tham vấn nào đó, cha mẹ bận rộn nên cũng không đến cùng tham gia; không có thời gian phối hợp. Nhiều bậc cha mẹ còn từ chối thừa nhận vấn đề của trẻ, nên không nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ đó không có sự phối hợp cần thiết.

Để phòng tham vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, theo ThS Phạm Bích Diệp, trước hết cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia được đào tạo, chuyên môn sâu, liên tục được cập nhật kiến thức. Cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện vấn đề của học sinh và trợ giúp học sinh. Đặc biệt, cần làm tốt ngay từ công tác phòng ngừa, sẽ giảm bớt được số lượng học sinh gặp vấn đề.

“Trên thực tế, rất ít nhà trường có phòng tham vấn có chuyên gia chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm dẫn đến không đảm bảo về chuyên môn. Bên cạnh đó, nhận thức của nhà trường và các giáo viên chưa đầy đủ về vai trò của phòng tham vấn, dẫn đến sự phối hợp chưa tốt.” – ThS Phạm Bích Diệp cho hay.

Cần cán bộ tâm lý học đường chuyên trách

Hiện nay cũng không ít trường áp dụng mô hình kiêm nhiệm và theo quan điểm của ThS Phạm Bích Diệp, đây không phải là một mô hình lý tưởng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.

Tuy nhiên, với những mô hình này, các thầy cô đang kiêm nhiệm vẫn hoàn toàn có thể làm tốt hơn công việc của mình bằng cách tham gia một cách nghiêm túc vào những khóa học tâm lý, tham vấn học đường ngắn hạn đang được tổ chức ở một số cơ sở có uy tín; thậm chí học một chương trình chính quy, bài bản về tâm lý học, xã hội học hay công tác xã hội.

Và nhà trường cũng cần có sự quan tâm và đầu tư bài bản cho các thầy cô đi bồi dưỡng chuyên môn này. Vì làm việc về tâm lý liên quan trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của học sinh, nếu không có chuyên môn không thể làm sâu và tốt được, đôi khi còn gây tác động ngược lại. Ngoài ra, cần thực sự là người tâm huyết, yêu trẻ mới có thể làm tốt công việc này. Nhà trường đồng thời cần có sự liên kết với những đơn vị có chuyên môn chính thống để được hỗ trợ chuyên môn hay chuyển tuyến khi có những trường hợp vượt quá khả năng can thiệp.

Tuy nhiên, ThS Phạm Bích Diệp nhấn mạnh, tốt nhất là cần có cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách, được đào tạo bài bản làm công tác tham vấn tâm lý trong mỗi trường học.

Người làm công tác tham vấn tâm lý học đường cần là một người hết sức tâm lý, sẵn sàng lắng nghe; có tâm và lòng nhiệt tình, yêu trẻ; tôn trọng cá tôi và chấp nhận sự khác biệt, cá tính của mỗi cá nhân; nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề tham vấn tâm lý; kiên nhẫn, kiên trì, bền bỉ.