Cần hiểu rõ năng lực sở trường của mình trước khi chọn trường đại học

.

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi hiểu rõ năng lực sở trường của mình, học sinh mới có thể chọn đúng trường đại học và nghề nghiệp trong tương lai.

Học sinh Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) dự chương trình tư vấn tuyển sinh

Học sinh Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) dự chương trình tư vấn tuyển sinh

Hãy khám phá bản thân mình

Trong lần đầu tiên xét tuyển đại học, các học sinh 2k6 còn nhiều bỡ ngỡ. Hiểu được tâm lý đó, các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD&ĐT và các trường đại học đã cung cấp cho các em những thông tin hữu ích, đồng thời đưa ra một vài lưu ý, tạo thuận lợi cho các em trong mùa xét tuyển đại học 2024.

Hiện nay, các trường đại học đưa ra khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học khác nhau; điều này làm tăng cơ hội cho thí sinh nhưng cũng làm các em bị rối vì không biết chọn phương thức nào hoặc đặt nguyện vọng xét tuyển ra sao để tăng cơ hội đỗ vào trường và ngành yêu thích.

Theo bà Hoàng Thúy Nga, chuyên gia đến từ Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, hiện nay, nhiều học sinh còn đang băn khoăn về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Lời khuyên là thí sinh cần chọn ngành trước khi chọn trường. Các em phải định hướng rõ bản thân đam mê, yêu thích gì, từ đó đưa ra lựa chọn đúng và phù hợp.

Buổi tư vấn tuyển sinh thu hút sự tham gia của hơn 1000 học sinh cùng nhiều phụ huynh trên địa bàn huyện Phú Xuyên.

Buổi tư vấn tuyển sinh thu hút sự tham gia của hơn 1000 học sinh cùng nhiều phụ huynh trên địa bàn huyện Phú Xuyên

“Có học sinh đăng ký 10 nguyện vọng vào 10 ngành khác nhau. Nguyện vọng 1 ngành Quản trị kinh doanh, nguyện vọng 2 ngành Luật, nguyện vọng 3 ngành Du lịch… Như vậy, bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường năng lực của mình. Các em hãy chọn ngành để làm sao sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bản thân rất mong muốn được làm công việc đó”, bà Nga nói.

Còn TS Đỗ Thị Vân Dung - giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đưa ra lời khuyên: Chúng ta đều biết rằng thời gian quý giá hơn tiền bạc, nhất là với các em học sinh đang đứng trước sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời. Thay vì nghe theo định hướng của cha mẹ, anh chị…, các em hãy khám phá bản thân mình trước.

Hãy nhìn kĩ vào bản thân để thấy sở thích của mình của mình như thế nào, môn học nào mình giỏi và tính cách của ra sao. Chỉ khi nhìn nhận rõ nhất bản thân thì các em mới có thể chọn đúng nghề, đi đường dài với nghề, tiết kiệm thời gian, tránh đi sai đường.

Phụ huynh học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường.

Phụ huynh học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường

Về thắc mắc liên quan đến trình độ tiếng anh và cơ hội việc làm, bà Dung cho hay: Từ thực tế triển khai tổ chức cho các doanh nghiệp đến trường tuyển dụng, cử nhân quản trị kinh doanh giỏi tiếng Anh và không giỏi tiếng Anh sẽ khác nhau về mức lương. Từ đó, các em học sinh cần chú trọng học tiếng Anh để sử dụng được trong giao tiếp và làm việc để có được nguồn thu nhập cao trong cuộc sống.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đúng xu hướng, TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho hay, tại thời điểm này, hầu hết học sinh đã có định hướng ngành nghề của mình. Tuy nhiên, cũng có những học sinh còn đắn đo giữa các ngành nghề đang lựa chọn.

Theo bà Vân, có 5 bước cơ bản để chọn nghề. Thứ nhất, các em cần sắp xếp thứ tự ngành nghề mình yêu thích. Thứ hai, phải xác định thế mạnh bản thân. Thứ ba, cần tìm hiểu các doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí nào đối với ngành nghề mình theo học; xu hướng và nhu cầu chuyển dụng của xã hội. Thứ tư, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình để chọn ngành nghề. Và thứ năm, quyết định cuối cùng là ở các em; do vậy, các em cần phải kiên định và có chính kiến”, TS Nguyễn Thúy Vân nêu quan điểm.

TS Đỗ Thị Vân Dung, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giải đáp thắc mắc cho các thí sinh.

TS Đỗ Thị Vân Dung, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giải đáp thắc mắc cho các thí sinh

Lưu ý các mốc thời gian

Bà Hoàng Thúy Nga, đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024, đồng thời lưu ý thí sinh quy định về xét tuyển sớm và những mốc thời gian đáng nhớ trong mùa tuyển sinh đại học năm nay.

Theo đó, năm 2024, Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh. Học sinh và phụ huynh cần lưu ý các mốc thời gian trong tuyển sinh đại học.

Từ ngày 18-30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, rút ngắn 8 ngày so với năm 2023. Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm.

Ngày 22/7 các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này. Từ ngày 31/7 - 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển. Trước 17 giờ ngày 19/8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn. Thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống từ ngày 19 - 27/8.

Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là tài liệu rất quan trọng để các em ôn tập cho kỳ thi sắp tới.

Một số điểm quan trọng thí sinh cần nắm vững, để tránh xảy ra sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến cơ hội của các em khi ứng tuyển. Đó là, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, giải đáp thắc mắc cho các thí sinh.

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, giải đáp thắc mắc cho các thí sinh

“Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này”, bà Hoàng Thúy Nga lưu ý.

Một điểm nữa Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt nhắc nhở thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn của nhà trường.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

"Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, nguyện vọng của các em sẽ không được ghi nhận và các em không thể chính thức trúng tuyển và nhập học. Do vậy, việc cần làm là các em nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo", đại diện Bộ GD&ĐT nhắc nhở thí sinh.

Ngày 20/4, chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Buổi đối thoại cung cấp cho học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề, cơ hội việc làm cũng như phương thức tuyển sinh ngành Luật - Kinh tế ở các trường đại học.