GD&TĐ - Trong giai đoạn 2017-2021, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chiều ngày 6/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị Tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (Đề án 1928) giai đoạn 2017-2021.
Hội nghị được diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và các sở GD&ĐT trên cả nước.
Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT, việc triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mỗi cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên đã nhận thức và xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Hình thức và nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, dễ hiểu và được triển khai sâu rộng đến cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Hàng năm, nhiều Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin trong các nhà trường, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân để nâng cao chất lượng việc dạy và học pháp luật trong nhà trường. Công tác đổi mới phương pháp dạy học môn pháp luật trong các nhà trường được triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực ở nhiều địa phương.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy Giáo dục công dân, pháp luật không ngừng trưởng thành về số lượng và chất lượng, dần đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác PBGDPL tại đơn vị. Đơn cử, tại tỉnh Hưng Yên, 100% giáo viên dạy môn GDCD, giáo viên và giảng viên môn pháp luật, báo cáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ.
Các sở GD&ĐT đổi mới nội dung, hình thức PGGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Các mô hình PBGDPL có hiệu quả tại địa phương, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai, các đơn vị, trường học, địa phương cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác PBGDPL tại một số địa phương, cơ sở giáo dục còn chưa ngang tầm với yêu cầu của thực tiễn, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cơ sở.
Một vài đơn vị trường học chưa chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương. Chương trình giáo dục pháp luật tại các cơ sở đào tạo không chuyên luật còn nặng về lý thuyết.
Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, PBGDPL còn hạn chế nên nhiều hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, giảng viên… cho học sinh, sinh viên chưa được tổ chức thường xuyên, chủ yếu lồng ghép chung trong hoạt động chuyên môn và hoạt động của các tổ chức đoàn thể.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhìn nhận đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án trong giai đoạn 2017-2021 và đề xuất kiến nghị cho công tác PBGDPL cho thời gian tới.
Giáo dục pháp luật hướng tới người học
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng cho rằng thời gian tới, cần xác định công tác GDPL là một phần hoạt động chuyên môn quan trọng của ngành giáo dục, trọng tâm hướng vào người học, lấy giáo dục tuân thủ pháp luật làm gốc rễ.
Theo thứ trưởng, các cấp quản lý giáo dục thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL bám sát nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin về pháp luật của cán bộ, nhà giáo, người học trong toàn ngành; khai thác tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập môn pháp luật, giáo dục công dân theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi người học; đổi mới phương pháp giảng dạy.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL của ngành giáo dục, gắn với việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Định kỳ tổ chức, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đa dạng hóa các hình thức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên, giảng viên môn pháp luật, môn GDCD trong các cơ sở giáo dục.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm mới về phổ biến giáo dục pháp luật. Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của nhà giáo, người học để lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên nguồn lực thực hiện và kịp thời điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp với từng đối tượng trong từng giai đoạn.
“Sau cùng, đổi mới công tác PBGDPL trong nhà trường gắn với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và hình thức đổi mới phù hợp; phát hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Nhân dịp này, Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã trao tặng bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 1928.