Chọn đúng nghề – "Chìa khóa" mở cửa thành công

.

GD&TĐ - Nhiều năm trở lại đây, việc lựa chọn ngành nghề luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh THPT. Bởi chọn nghề phù hợp chính là chọn cho mình một tương lai vững chắc và tươi sáng.

Sinh viên ngành công nghệ thông tin được doanh nghiệp săn đón khi chưa tốt nghiệp

Nhưng phù hợp với bản thân là điều kiện cần, phù hợp với xu thế mới là điều kiện đủ.

Sức hấp dẫn của ngành nghề gắn với xu hướng chuyển đổi số

Đẩy mạnh phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những chiến lược hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, các ngành nghề dựa trên nền tảng Công nghệ thông tin và truyền thông đang là những nghề “hot” nhất thị trường lao động Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam, các ngành liên quan tới Công nghệ thông tin và truyền thông lại càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Công nghệ thông tin và truyền thông đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… Có thể thấy, nhu cầu nhân lực ngày càng cao cộng với hình thức làm việc trực tuyến đang trở nên phổ biến, lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông có sức hấp dẫn và lôi cuốn nhiều người theo học và làm việc.

Lãnh đạo Bộ GDĐT thăm quan phòng học tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Từ sự dịch chuyển trong nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng chuyển đổi học các ngành truyền thống sang học các ngành mới gắn với công nghệ thông tin và truyền thông được thể hiện rõ nét trong những năm vừa qua. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học các ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng tăng đáng kể trong 5 đến 7 năm trở lại đây.

Trao đổi với Báo GD&TĐ PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên chia sẻ về con số ấn tượng trong công tác tuyển sinh của trường, theo đó số lượng sinh viên đại học chính quy trúng tuyển hàng năm vào các ngành liên quan tới Công nghệ thông tin và truyền thông liên tục tăng từ 150 sinh viên (2001) lên đến 500 (năm 2005), 800 (năm 2011), 1200 (năm 2015); đặc biệt trong năm 2021, trường đã tuyển sinh gần 2000 sinh viên hệ đại học chính quy.

Đồng thời, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa khẳng định: “Công nghệ thông tin và truyền thông đang là xu hướng tất yếu trong 10 năm vừa qua và sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm sắp tới”.

Niềm tin của xã hội và sự sẵn sàng của các trường đại học

Các con số ấn tượng trong công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông không chỉ khẳng định xu thế chọn ngành nghề mới, những con số này đồng thời cho thấy niềm tin của phụ huynh, học sinh vào các ngành nghề đào tạo các trường đại học thay vì lựa chọn hướng đi làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông như nhiều năm trước đây. Mặc dù, để tạo được niềm tin đối với người học là  không dễ dàng.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa một lần nữa nhấn mạnh về quá trình xây dựng thương hiệu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, dù mới chính thức được Thủ tướng Chính phủ kí quyết định thành lập trường đại học được 11 năm (từ năm 2011) nhưng Nhà trường đã trải qua 10 năm chuẩn bị (từ năm 2001) các điều kiện để thực hiện mục tiêu  đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Nhà trường đã thành công với quan điểm là đào tạo thực tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với doanh nghiệp để kí hợp đồng tuyển dụng ngay sinh viên đang học, tạo cơ hội và định hướng việc làm từ sớm, giúp sinh viên không lãng phí thời gian học những thứ không cần thiết. Chính nhờ quan điểm rất thực tế như vậy, nhiều sinh viên ra trường đã có việc làm với mức lương rất cao, đây chính là những “minh chứng sống” khẳng định và bồi đắp niềm tin trong xã hội.

Với định hướng chiến lược đúng đắn, tầm nhìn dài hạn, sự chuẩn bị kĩ lưỡng về chương trình đào tạo của Nhà trường có thể nói học sinh các trường trung học phổ thông có thể hoàn toàn yên tâm tìm hiểu, lựa chọn kĩ về ngành nghề  để đảm bảo phù hợp với xu hướng của thời cuộc, năng lực của bản thân, từ đó dễ dàng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.