GD&TĐ - Theo các chuyên gia, lựa chọn nghề nghiệp là một phần của cuộc sống. Sai lầm trong lựa chọn có thể gây ra những hệ lụy như: Thất nghiệp, không phát triển nghề nghiệp, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc…
Cần có định hướng đúng đắn trong lựa chọn ngành học, trường học. Ảnh minh họa: TG
Hệ lụy khó lường
Theo khảo sát của một Trung tâm dự báo nhân lực, năm 2019, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Một khảo sát khác cũng cho kết quả, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Chính vì thế, có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình.
Tự nhận đã chọn sai nghề ngay từ thời đại học, TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh – chia sẻ: Hệ lụy của việc này là tốn nhiều thời gian công sức, tiền bạc, nhất là để đạt được bằng tiến sĩ. Trong khi, nghề nghiệp hiện tại của ông cũng không cần đến tấm bằng này.
TS Bình cho hay: Nhiều bạn trẻ do chọn sai nên khi đi học không hạnh phúc, không nghiêm túc và đa số tốt nghiệp với bằng trung bình hoặc bỏ học. Đau đớn nhất là mất niềm tin vào bản thân, tâm lý chán nản, lúc đó không có sức mạnh và không làm được gì cả.
“Sai nào cũng để lại sẹo nhưng sai nghề chính là vết sẹo cả cuộc đời” - TS Bình nhắn nhủ, đồng thời cho rằng: Chọn sai nghề khiến các em khó có thể phát triển được bản thân, nâng cao tay nghề, cũng như thăng tiến. Trong khi đó, những nhà tuyển dụng cần người có thể làm được việc, thế nên khả năng bị loại và đào thải sẽ cao hơn.
Theo TS Bình, việc không hướng nghiệp từ sớm, không nghiêm túc trong chọn ngành nghề tạo nên những hậu quả không thể lường trước được. Trước hết là lãng phí thời gian và công sức. Tiêu tốn tiền bạc để học một ngành nghề không phù hợp, không có hứng thú. Bỏ ra quá nhiều mà lại không nhận được gì theo ý muốn, thậm chí có thể phải bỏ và học lại từ đầu. Ngoài ra, chọn sai ngành nghề sẽ gây tâm lý chán nản khi học và làm nghề không phù hợp. Khi không yêu thích, không đam mê, các em sẽ không đủ động lực làm ngành nghề đã chọn và cũng không hiểu được ý nghĩa, giá trị lao động của nghề nên dễ sinh chán nản, bỏ việc.
Một hệ lụy khác đó là, khó tìm việc làm. TS Bình viện dẫn: Một số liệu điều tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài; trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những sai lầm mà thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường là: Chọn theo thu nhập, thị hiếu và trào lưu. Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định lưu ý: Thí sinh thường mắc phải sai lầm khi chọn nghề như: Coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề không đúng năng lực, tính cách của bản thân, đánh giá không đúng ngành học hoặc chọn ngành học theo số đông, áp đặt của gia đình, thậm chí có em lựa chọn theo rủ rê của bạn bè…. Hậu quả của sự lựa chọn này là, chất lượng học tập sau này không cao, khi đi làm phải đào tạo lại, vừa mất thời gian lại rất tốn kém tiền bạc, công sức.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Từ thực tế trên, TS Bình khẳng định: Chọn ngành, chọn nghề là việc quan trọng với mỗi người, bởi nó gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Rất nhiều bạn trẻ hồn nhiên và chưa ý thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp. Khi chọn đúng, bản thân được thể hiện năng lực, phát huy khả năng, tố chất. Chọn đúng nghề giúp các em trở nên có giá trị, đóng góp công sức cho xã hội, cộng đồng. Nhưng nếu chọn sai nghề sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám. “Đừng để tuổi 70 mới biết mình là ai, mình thích gì” - TS Bình dí dỏm nói.
Bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT - khuyến nghị: Thí sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân; không nên đăng ký nguyện vọng vì thấy tên ngành nghề hay, “hot” hợp thời thượng; đặc biệt cũng không nên chạy theo phong trào vì nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng… Trước khi đăng ký xét tuyển, cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình theo đuổi; đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người khác để có hướng đi của riêng mình.
Còn theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, thí sinh cần trả lời lần lượt các câu hỏi: Tôi thích nghề gì, phù hợp nghề gì; tôi chọn nghề gì và nên học tập ở đâu? Ngoài ra, các em nên đọc kỹ nội dung đào tạo, các môn học đào tạo, chuẩn đầu ra của các ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Các em cần nghiên cứu thật kỹ và tham khảo ý kiến tư vấn của người thân, thầy cô giáo, chuyên gia để có lựa chọn phù hợp nhất.
Thí sinh cũng cần bám vào xu hướng thời cuộc như: Ngành nghề xuất hiện mới trong cuộc cách mạng 4.0, biến đổi ngành nghề trong đại dịch Covid-19… Ngoài ra, chọn nghề dựa trên yếu tố truyền thống gia đình, đặc điểm địa phương, xác định nơi làm việc sau khi tốt nghiệp là tư vấn của luật sư Trịnh Hữu Chung với sĩ tử trong mùa tuyển sinh năm nay.
“Khi còn là học sinh lớp 11, các em dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Lên lớp 12, căn cứ kết quả học tập và điểm số của các môn học xét tuyển để có sự lựa chọn phù hợp. Mọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng đều đem đến kết quả tốt nhất” - luật sư Trịnh Hữu Chung trao đổi.
Theo TS Huỳnh Anh Bình, các em có thể tham gia các bài trắc nghiệm, bài test MBTI (Trắc nghiệm tính cách chọn nghề nghiệp) để thấu hiểu thêm bản thân, sở trường, tính cách của mình để có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. |