CLB Bạn hữu giảng đường UDA

Mới thành lập và đi vào hoạt động chỉ gần 1 năm, nhưng Câu lạc bộ "Bạn hữu giảng đường UDA", còn gọi là đội phản ứng nhanh UDA (thuộc Đại học Đông Á) đã trở thành lực lượng hỗ trợ tích cực, địa chỉ đáng tin cậy cho nhiều sinh viên trong trường khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Câu lạc bộ "Bạn hữu giảng đường UDA", còn gọi là đội phản ứng nhanh UDA (thuộc Đại học Đông Á) đã trở thành lực lượng hỗ trợ tích cực, địa chỉ đáng tin cậy cho nhiều sinh viên trong trường khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Đội phản ứng nhanh ra đời từ chính những nhu cầu của sinh viên trong đời sống thường ngày như chuyện ăn ở, đi lại, học hành… Bản thân các thành viên trong đội có nhiều bạn xa nhà, thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn khi sống ở quê người, vì thế họ muốn có một mô hình, một hội nhóm để cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ sinh viên trong trường.

a

Các thành viên của đội phản ứng nhanh tại trường Đại học Đông Á

1. Đội trưởng đội phản ứng nhanh là Phạm Ngọc Hải, sinh viên năm 2 ngành Công nghệ kỹ thuật ô-tô (trường Đại học Đông Á). Đồng hành với Hải là gần chục người bạn đều là những sinh viên cùng trường.

Hải cho biết, đội được lập vào thời điểm đầu năm 2018 với tên gọi ban đầu của đội là… đội 911- được đặt theo tên gọi của tổng đài khẩn cấp ở Mỹ. Đến cuối năm 2018, khi Công an thành phố Đà Nẵng quyết định thành lập các Tổ công tác đặc biệt theo Kế hoạch 911 của Giám đốc Công an thành phố (gọi tắt là lực lượng 911), những thành viên của đội phản ứng nhanh quyết định đổi tên đội để tránh nhầm lẫn.

Theo anh Nguyễn Văn Ken, Phó Bí thư Đoàn Đại học Đông Á, đội phản ứng nhanh ra đời từ chính những nhu cầu của sinh viên trong đời sống thường ngày như chuyện ăn ở, đi lại, học hành… Bản thân các thành viên trong đội có nhiều bạn xa nhà, thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn khi sống ở quê người, vì thế họ muốn có một mô hình, một hội nhóm để cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ sinh viên trong trường.

Công việc mà Hải và các bạn thường xuyên thực hiện là việc tìm kiếm “nhà trọ đàng hoàng”. Các bạn chia nhau đi “khảo sát”, tìm hiểu điều kiện sinh hoạt, an ninh, chi phí phòng ở cũng như thỏa thuận với chủ trọ tại những khu nhà trọ trong bán kính 3-4km xung quanh Đại học Đông Á.

“Sinh viên như chúng em quan tâm rất nhiều đến những điều kiện nhỏ nhất ở trọ, chẳng hạn như wifi ở trọ có ổn không, chủ trọ có cho nấu ăn thoải mái hay không, có được phép ở ghép đông người không, điện nước có ổn định không… Từ những thông tin này, các thành viên sẽ lập danh sách những khu trọ tốt nhất cho sinh viên trong trường”, Hải cho biết.

Việc thu thập thông tin các khu nhà trọ là để chuẩn bị cho thời điểm những tân sinh viên muốn có một chỗ ăn ở, học hành ổn định trong những ngày đầu làm thủ tục nhập học. Những thành viên của đội bố trí một tốp tư vấn, hỗ trợ và đưa đón tân sinh viên cùng phụ huynh đi thuê phòng tại những dãy trọ còn trống chỗ.

2. Một đêm tháng tư, ba nữ sinh viên (xin được giấu tên) đang theo học ở Đại học Đông Á chưa hết bàng hoàng khi gặp… kẻ biến thái đột nhập dãy trọ với ý đồ rình mò, làm chuyện xấu. Đêm khuya, khu trọ vắng, những sinh viên nữ chỉ biết cầu cứu hỗ trợ từ các thành viên đội phản ứng nhanh.

“Lúc ấy, em cũng ở gần khu vực đó nên chạy sang can thiệp kịp thời, may mắn là kẻ biến thái đã bỏ chạy”, Hải kể lại.

Đó chỉ là một trong số những hoạt động tích cực mà đội phản ứng nhanh từng tham gia. Đội có “đường dây nóng” là số điện thoại của các thành viên. “Đường dây nóng” này được chia sẻ rộng rãi trong sinh viên nhà trường, trở thành số điện thoại tin cậy khi sinh viên nào đó bị hỏng xe giữa đường, xe hết xăng vào ban đêm, gặp kẻ xấu đe dọa, cần người giúp chuyển đồ đạc khi chuyển nhà trọ, sửa điện nước…

Hải khoe: “Chúng em đều là sinh viên kỹ thuật, cơ khí, có “nghề” sửa chữa hẳn hoi, đặc biệt là sửa xe. Đội có sẵn những dụng cụ sửa xe chuyên dụng, sẵn sàng sửa lưu động”. Những chiếc bơm tay, đồ vá xe… đều được chuẩn bị sẵn. Có nhiều chiếc xe bị hỏng lốp, đứt sên… mà “chủ nhân” thì khó khăn, Hải và các bạn nhất quyết không nhận tiền trả công. Đối với những trường hợp liên quan đến an ninh, trật tự, các bạn luôn có sự liên hệ với lực lượng công an khi cần.

Theo anh Nguyễn Văn Ken, chi phí để đặt cọc tiền trọ cho sinh viên, mua vật dụng sửa chữa xe cộ, đồ đạc đều do Đoàn trường quyên góp từ các hoạt động từ thiện, nuôi heo đất, đáng chú ý có chương trình bán bánh mì và nước mía gây quỹ cho những hoạt động của Đoàn trường nói chung.

Cả anh Ken và Hải đều mong muốn mô hình đội phản ứng nhanh được lan rộng, không chỉ trong phạm vi Đại học Đông Á mà còn ở nhiều trường học khác trên địa bàn Đà Nẵng. “Nếu trường đại học, cao đẳng nào cũng có đội hỗ trợ đời sống cho sinh viên chu đáo thì các bạn sinh viên sẽ yên tâm học tập hơn, giảm bớt những nỗi lo thường nhật…”, Hải chia sẻ.

Các em sinh viên lưu lại khi cần để liên hệ hỗ trợ nhé!