CỔNG TRƯỜNG UDA – KHÉP MÌNH HỌC CÁCH VƯƠN CAO

.

Toàn cảnh cổng trường Đại học Đông Á

       “Trường mình đẹp, thầy cô gần gũi, ấm áp, nhiệt tình ngoài mong đợi của em. Thật may vì em đã không phải nuối tiếc gì khi đưa ra lựa chọn, một lựa chọn vô cùng quan trọng của cuộc đời – Chọn UDA”. Hoàng Thanh Trà, sinh viên K21 khoa Sư phạm, Đại học Đông Á – cô gái sở hữu thành tích học tập, rèn luyện đáng tự hào (GPA: 8,4, Giải Nhất HSG cấp Quận, giải Nhất Đá cầu, giải Ba Bóng chuyền cấp thành phố…) chia sẻ trong ngày đầu nhập học. Chia sẻ của cô sinh viên giỏi, năng động, xinh xắn gợi cho chúng ta nghĩ về khát khao của hàng ngàn Sinh viên trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề. Mỗi cá nhân như một cánh chim bé nhỏ mà chân trời thì bao la vô cùng tận. Làm sao để khi khép lại hành trình của mình, đôi cánh ấy đã chạm đến bao tầng mây thật trọn vẹn. Biết bay, muốn bay thì chưa đủ, đôi cánh nào cũng cần một bầu trời… như  câu nói “Tôi tiếc cho những chân trời không có người bay, và tiếc cho những người bay không có chân trời…” (Trần Dần). UDA – bầu trời dung chứa đam mê, ước vọng đang chờ đón những tài năng trẻ.

Hoàng Thanh Trà – SV K21, khoa Sư phạm

 

       Với một dân tộc khiêm nhường như Việt Nam ta, từ ngàn xưa, giữa những mái ngói liêu xiêu bé nhỏ, chỉ có mái đình và mái trường là thứ hiếm hoi đồ sộ, cao lớn, vươn mình ra khỏi luỹ tre làng. Trường học không đơn thuần là một cơ sở dạy – học, nó còn là “quốc hồn”, là bầu trời nâng đỡ đôi cánh ước mơ cho bao thế hệ. Trên dọc đất nước, ngôi trường nào cũng mang dáng vẻ hình hài khác nhau như sứ mệnh riêng mà nó hướng đến. Những ngày đầu năm 2022, các trường đại học trên cả nước, đón sinh viên trở lại trường sau “kì nghỉ” dài. Trong cái nắng dịu dàng của tháng giêng, sân trường Đại học Đông Á rộn ràng đón sinh viên “về nhà” như không hề có sự hiện diện của trận đại dịch.

         Mà thực vậy, Covid-19 như một phép thử khắc nghiệt. Bởi trong thời gian qua, thầy và trò UDA vẫn kiên tâm nghiên cứu, dạy – học, không ngừng phát triển bản thân. Như hoa mai dưỡng mình sau vụ đông dài lạnh lẽo, điềm tĩnh vươn toả giữa nắng xuân, thầy và trò trường Đông Á đã trải qua kì học dài trong rất nhiều thử thách, hiểm nguy của đại dịch, kịp thời, linh hoạt thích nghi để dạy – học trực tuyến. Bởi lòng đã say, tay đã vững thì không gì ngăn trở được đường học của những tấm lòng hiếu tri. Giờ đây, sau bao ngày xa trường, sinh viên trở lại trong niềm hứng khởi hân hoan. Đặc biệt, đối với tân sinh viên, đây là lần đầu được nhìn thấy “ngôi nhà” mà mình sẽ gắn bó trong những năm tháng thanh xuân sau này. Những tiếng nhạc, lời ca của ban văn nghệ nhà trường và cánh cổng trường UDA rộng mở như hai cánh tay dang đón sinh viên.

         Thấp thoáng từ xa, sinh viên đã thấy cổng trường thân thương được xây dựng bởi lối kiến trúc hiện đại, giản đơn nhưng hàm ẩn bao ý nghĩa, gửi gắm. Khối tháp bút vươn cao chất ngất như biểu tượng của mái trường. Ngôi trường luôn là hình ảnh thân thương, gắn bó với mỗi con người trong những chặng hành trình của cuộc đời. Nếu ngôi nhà cho ta mái ấm gia đình thì ngôi trường cho ta kho tàng tri thức bao la, khơi dậy những hoài bão, đam mê. Như người hoạ sĩ luôn mang cọ vẽ bên mình, người nhạc sĩ gắn với cây đàn, thì bút, sách như người bạn, “vũ khí” của người học. Tháp bút cao, nhọn tạo cảm giác vững chãi, kiên tâm. Đó là hình ảnh ngôi trường với những người thầy cô “đầu sóng ngọn gió” luôn dìu dắt, bảo bọc “đàn con thơ” trước những giông gió cuộc đời. Dẫu mai sau, người thành công hay kẻ thất bại, là bậc vĩ nhân hay người bình thường, viên mãn hay trầm luân, chỉ cần trở về “mái nhà” năm xưa, vẫn là tháp bút uy nghiêm, là cánh cổng vươn cao rộng mở luôn bao dung và che chở. Như câu hát của các bạn trẻ “Đường về nhà là vào tim ta… thất bát, vang danh, nhà vẫn luôn là nhà.”

        Hình ảnh tháp bút bình dị, vươn cao, sắt nhọn còn thấp thoáng dáng hình, tâm tính của thầy cô: chính trực, nghiêm khắc, ngay thẳng, khiêm cung, cầu tiến như tấm gương cho bao thế hệ sinh viên noi theo. Song song với tháp bút là 3 trang sách sóng đôi, được trang trí uốn lượn như nhịp điệu của sóng – linh hoạt, uyển chuyển, như hình ảnh những nốt nhạc. Không chỉ mang sứ mệnh truyền thụ tri thức, khơi nguồn cảm hứng, UDA còn chú trọng đặc biệt việc giáo dục qua con đường thẩm mỹ. Bởi học suy cho cùng cũng là sự bồi đắp lòng người thêm thanh sáng, biết rung cảm đẹp đẽ trước đời sống.

        Những trang sách vươn cao dần lên như mong muốn, sự cầu tiến của người học trên con đường học vấn. Bởi việc học như trang sách không trang cuối cùng, là hành trình biến "kiến thức" thành "tri thức”, chiếm lĩnh, thoát ra khỏi nó, vượt lên nó, tự làm giàu, làm mới trí tuệ của mình đến suốt đời. Những trang sách hay là những cánh buồm căng lộng gió thời đại, ăm ắp ước mơ đang ra khơi. Dẫu biết có thành công nào không đánh đổi, có con đường nào chỉ ngập hoa, có hành trình tri thức nào chẳng chông gai. Phải khép mình, ủ lòng trong sương gió mới đón ngày hoa nở sương tan. Biển bờ tri thức mênh mông, muôn trùng vẻ đẹp của đời sống chỉ dành cho những kẻ dám mơ - dám chinh phục. Thế giới cựa mình, mạnh mẽ bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của sự hội nhập. Con đường tiên quyết và duy nhất để trở thành công dân toàn cầu chính là “học, học nữa, học mãi”. Có lẽ vì vậy mà dù ngắm nhìn UDA ở bất kì góc nào cũng thấy những đường cong hài hoà với khối bán nguyệt trong sân trường như mặt cắt trong veo của những giấc mơ, đang thúc giục, tha thiết; như lời nhắc nhở nhiệm vụ học tập để hội nhập. Bởi chỉ khi vươn ra biển lớn, ta mới khẳng định được vị thế, tầm vóc của mình.

        Nhưng vươn xa vươn cao không có nghĩa là mặc sức vẫy vùng để cao ngạo, tự mãn, đánh mất bản tâm, hồn dân tộc. Vươn cao để học hỏi, để trải nghiệm, để trưởng thành và còn để… cúi mình khiêm cung trước những lẽ giản dị uyên nguyên, những nét đẹp chân mộc nhất của đời sống; vươn xa để nhìn ngắm thế giới và cũng để trở về thấu suốt chính mình. Đó phải chăng là điều mong mỏi của những người đưa đò thầm lặng, là lời nhắc nhở được ghi khắc trên cánh cổng trước lúc sinh viên ra trường? Nên, “khép mình để vươn xa” và vươn xa để “trở về”.