Giải nỗi lo thiếu giáo viên mầm non sau mùa dịch

.

GD&TĐ - Từ ngày 13/4, học sinh mầm non trên địa bàn Hà Nội chính thức được đến trường. Đây là ngày học sinh, phụ huynh, giáo viên mong đợi từ rất lâu.

Giáo viên Trường Mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm) sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện phòng chống dịch, nhân sự cho trường tư thục cũng được phòng GD quận, huyện tính đến.

Chuẩn bị chu đáo

Có con đang ở độ tuổi mầm non, chị Nguyễn Thị Hồng (quận Hoàng Mai) cho hay: Trẻ trở lại trường học trực tiếp với gia đình là niềm vui lớn. Các con đi học sẽ giúp cho cuộc sống trở lại bình thường như trước đây.

Những ngày qua, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đã triển khai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch; đồng thời lên phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi trẻ trở lại học tập trực tiếp tại trường.

Cô Vũ Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Để đón học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ các lớp học và khuôn viên trường; chủ động xây dựng kế hoạch đón, trả trẻ; phân công chi tiết đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được ban giám hiệu cùng đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường chú trọng, tiếp tục duy trì tốt để đảm bảo môi trường an toàn, hạnh phúc nhất đối với trẻ.

Với hơn 400 trẻ được chia thành 17 lớp, Trường Mầm non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) đã tiến hành tổng vệ sinh trường, lớp; xây dựng kịch bản; tổ chức tập huấn; trang bị đầy đủ các thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. 100% các lớp được trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay khô.

“Nhà trường đã thông tin tới phụ huynh về phương án đi học trở lại, trong đó đề nghị cha mẹ theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của trẻ cho giáo viên hằng ngày. Khi tới trường, trẻ sẽ được kiểm tra thân nhiệt tại cổng, sau đó lên lớp theo hướng dẫn của giáo viên. Giờ đón, trả trẻ được chia cách để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung quá đông”, cô Đỗ Thị Hòa - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Theo bà Lê Thị Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, 100% trường mầm non trên địa bàn quận đã chuẩn bị mọi điều kiện đón học sinh từ tuần trước. Cụ thể, các trường lên phương án tổ chức đón trẻ, thực hiện giãn cách, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tiến hành sơn sửa, vệ sinh, lau dọn, chỉnh trang khuôn viên trường lớp, rà soát nhân sự, bổ sung cơ sở vật chất bếp ăn.

Tại huyện Mỹ Đức, theo chia sẻ từ ông Lê Văn Hiến - Trưởng phòng GD&ĐT, ngay sau khi nhận được chỉ đạo về việc đón trẻ mầm non trở lại học tập trực tiếp, phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức đã phối hợp với các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo mọi điều kiện an toàn khi đón các em tới trường.

Giáo viên Trường Mầm non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) vệ sinh trường lớp.

Có thiếu giáo viên?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành học mầm non tạm dừng đến trường trong thời gian khá dài, nhiều nhóm lớp mầm non tư thục không thể duy trì hoạt động, phải giải thể. Đứng trước khó khăn này, các đơn vị đều chủ động phương án giải quyết về nhân lực để bảo đảm công tác đón trẻ.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho hay: Trong ngày 13/4, 50 trường mầm non cùng 352 nhóm trẻ trên địa bàn quận sẽ mở cửa trở lại. Qua khảo sát, có 85,7% phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường. Thời gian qua trên địa bàn quận có 1 trường mầm non tư thục và 61 nhóm trẻ đã giải thể. Tuy nhiên, số lượng các trường tư thục còn lại vẫn đủ đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Vinh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, quận có 5 trường ngoài công lập và 4 nhóm lớp đã giải thể. Nếu tỷ lệ trẻ đi học đủ thì số giáo viên còn thiếu là 215 người. Do đó, phòng tiếp tục theo dõi tình hình vận hành của các nhà trường để báo cáo, đề xuất UBND quận phương án giải quyết.

Quận Hoàn Kiếm có 30 - 40% số giáo viên của các nhóm lớp mầm non có nhu cầu xin thôi việc. Bà Phan Thị Kim Ngân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT trao đổi: Trong vài ngày đầu trở lại trường, phòng sẽ phối hợp với UBND các phường rà soát các điều kiện đón trẻ, nhất là về việc thiếu giáo viên để kịp thời có biện pháp khắc phục.

Quận Nam Từ Liêm cũng có 10 nhóm lớp thông báo giải thể. Đối với trẻ theo học tại các nhóm lớp giải thể, phòng ưu tiên chuyển về học tại các trường công lập. Phụ huynh có thể chọn lựa gửi con học trường công lập hoặc hệ thống ngoài công lập theo nguyện vọng.

Còn đại diện Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm cho biết, đơn vị sẽ đưa ra những chính sách ưu đãi để thu hút lực lượng giáo viên mầm non gắn bó với ngành GDMN trong giai đoạn này. Tới đây, phòng sẽ phối hợp với UBND quận tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho ngành GDMN để kêu gọi, thu hút giáo sinh, sinh viên ngành sư phạm về công tác tại quận.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương khẳng định: Khối tiểu học đến trường an toàn là tiền đề, bước đệm để Hà Nội tổ chức cho bậc mầm non đi học. Khi trẻ đi học, các trường cần quan tâm chu đáo đến điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn; làm tốt công tác phân luồng ngay tại cổng trường, tránh xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ trước và sau khi tan học. Để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố có phương án thi tuyển viên chức để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.