Ngày 31/5, trường Đại học Đông Á tổ chức Hội thảo khoa học “Hội chứng tự kỷ - Nhận diện và can thiệp”. Hội thảo mang đến những phân tích, trao đổi vừa tổng quan vừa cụ thể đến từ các chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý lâm sàng thuộc các bệnh viện, trung tâm trị liệu tự kỷ và các trường đại học có đào tạo ngành Tâm lý học trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.
Các chuyên đề thiết thực về: Can thiệp hành vi cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ bằng phương pháp trị liệu chơi; Tự kỷ - Quan niệm và sự thay đổi về nhận thức; Hướng dẫn cộng đồng sử dụng MCHAT-RF trong sàng lọc, nhận diện trẻ tự kỷ; Phát hiện và can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ thông qua công tác tuyên truyền trong cộng đồng,...
Theo thống kê của Autism Speaks Ins - một tổ chức vận động tự kỷ ở Hoa Kỳ, tỉ lệ trẻ em được phát hiện và chuẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ trên thế giới gia tăng đáng kể trong vòng 40 năm qua với năm 1974: 1/5000, năm 1986: 1/2500, năm 1995: 1/500, 2004: 1/166 và năm 2014: 1/38.
Trong báo cáo Hướng dẫn cộng đồng sử dụng M-CHAT-RF, ThS. La Vĩnh Lộc - ngành Tâm lý học Đại học Đông Á nhận định, trẻ mắc tự kỷ nếu được sàng lọc, nhận diện và can thiệp sớm ở thời điểm “vàng” sẽ có cơ hội hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. M-CHAT-RF là bảng điểm sàng lọc tự kỷ dễ sử dụng cho ba mẹ, người thân hay những người chăm sóc trẻ, giúp phát hiện sớm, nhận diện mức độ rối nhiễu một cách rõ ràng để định hướng can thiệp từ gia đình, cơ sở chuyên môn, nhà trường và toàn xã hội. M-CHAT-RF có thể được tiến hành và cho điểm trong những đợt thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhằm tối đa hóa độ nhạy, phát hiện tối đa số trường hợp có nguy cơ bị rối loạn phổ tự kỷ.
Nghiên cứu Thực trạng nhận thức của giáo viên mầm non đối với hội chứng tự kỷ của TS. Nguyễn Thị Hằng Phương - ĐH Sư phạm Đà Nẵng chỉ ra rằng, rối loạn phổ tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời. Tuy vậy, bằng phương pháp điều tra, phỏng vấn trên 271 giáo viên mầm non tại Đà Nẵng, nghiên cứu cho thấy, nhận thức của giáo viên về vấn đề phổ tự kỷ chỉ đạt ở mức trung bình (với điểm trung bình là 2,6/4 điểm), do vậy mà trẻ tự kỷ vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ về cả giáo dục và giáo dục đặc biệt ở các trường mầm non.
Còn quan niệm của các gia đình, theo ThS. Ngô Thị Thảo Quỳnh - ĐH Duy Tân, để chấp nhận con mình mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ là điều không phải dễ dàng đối với bố mẹ. Với sự phát triển của truyền thông hiện nay, tuy các phản ứng dù có khác nhau nhưng các gia đình có con bị chẩn đoán tự kỷ đã có cách nhìn nhận về hội chứng này cởi mở hơn, khoa học hơn và bình tĩnh hơn khi đối diện với thực tế của con em mình, tham gia hướng can thiệp và trị liệu phù hợp với điều kiện và sự hỗ trợ.
Trần Thị Minh Thành - ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, tuy giáo dục đặc biệt cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ mới được quan tâm trong khoảng 10 năm gần đây nhưng “là sự quan tâm khá nhanh chóng” với số lượng đáng kể các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ được công bố. Bằng phương pháp trị liệu chơi trong nghiên cứu trường hợp trẻ 6 tuổi có rối loạn phổ tự kỷ nặng được tiến hành trong 24 tuần với 48 buổi trị liệu chơi cá nhân, tham luận về Can thiệp hành vi cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ bằng phương pháp trị liệu chơi: nghiên cứu trường hợp của TS. Minh Thành dẫn ra các số liệu cho thấy sau 6 tháng áp dụng trị liệu chơi kết hợp với phương pháp khác, trẻ đã giảm đáng kể những hành vi có vấn đề trong đó có hành vi rập khuôn và gia tăng những hành vi tích cực như chủ động, chú ý, tương tác, sẵn sàng tham gia và vui vẻ giao tiếp với giáo viên.
Được biết, tại Đại học Đông Á, ngành Tâm lý học chính thức tuyển sinh và đào tạo từ năm 2018. Trong đó, cùng với các ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục Tiểu học, ngành Tâm lý học ĐH Đông Á cũng đã liên kết hợp tác chương trình đào tạo và thực tập nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên tại Nhật với Đại học Kibi, Nhật Bản theo hình thức 2+1+2.