Môn Nghệ thuật theo Chương trình mới: Làm phong phú giá trị tinh thần

GD&TĐ - Giáo dục âm nhạc góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần.

Theo Chương trình GDPT 2018, môn Nghệ thuật (nội dung Âm nhạc) được dạy xuyên suốt từ cấp tiểu học đến THPT.

Hướng đi mới

Từ nhiều năm trở lại đây, việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm luôn được Sở GD&ĐT Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Do đó, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 được triển khai có nhiều thuận lợi. Mục tiêu của chương trình là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Vì thế, “rào chắn” khoảng cách giữa các môn văn hóa và các  môn học khác đã dần phá bỏ. Quan niệm môn chính, môn phụ sẽ không còn tồn tại.

Trong nhà trường, giáo dục âm nhạc có hướng đi mới tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực. Học sinh được học, cảm thụ và hiểu biết, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu. Thông qua nội dung bài hát, hoạt động âm nhạc và phương pháp, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên Âm nhạc, Trường THCS Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng có giờ dạy thăng hoa cùng học sinh lớp 6D1 trong Tiết 2: Thưởng thức âm nhạc: Đàn tranh, đàn đáy (Chủ đề 3: Biết ơn thầy cô; bộ sách Cánh diều).

Cô mở đầu tiết học bằng một bài tập tiết tấu ứng dụng bộ gõ cơ thể giúp không khí lớp học “nóng” lên, học sinh bắt nhịp bài mới với tâm thế thoải mái và tràn đầy hứng khởi. Để bài học thêm sinh động và hiệu quả, cô giáo đã mời 2 nghệ nhân đàn tranh và đàn đáy. Học sinh được trò chuyện, giao lưu và cùng tìm hiểu về 2 loại nhạc cụ dân tộc.

Những băn khoăn, thắc mắc của các em được các nghệ nhân giải đáp. Được thưởng thức âm nhạc ngay trong tiết học, các em hào hứng. Cuối tiết học, học sinh thể hiện đúng mẫu tiết tấu bằng nhạc cụ gõ và động tác cơ thể, biết ứng dụng đệm cho bài Bụi phấn; nêu được tên, các đặc điểm của đàn tranh, đàn đáy.

Việc tổ chức cho học sinh học theo hình thức hoạt động nhóm giúp các em biết vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn, trình bày và thể hiện bài hát bằng động tác cơ thể khác nhau. Qua đó, học sinh cảm nhận được âm sắc của 6 loại nhạc cụ dân tộc. Trong phần ôn tập bài hát, cô và trò cùng hát vang bài hát Bụi phấn với giai điệu sâu lắng, truyền cảm, thể hiện tình cảm, sự tri ân của học sinh với thầy  cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Dung - Trường Tiểu học Liên Hào, huyện Tiên Lãng cùng học sinh vui hát trong tiết học.

Học sinh tự tin thể hiện mình

Cùng học sinh lớp 1 thường thức âm nhạc: Đàn bầu Việt Nam qua tiết học của Chủ đề 2: Em yêu làn điệu dân ca, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học Liên Hào, huyện Tiên Lãng đã giúp các em nhận biết được nhạc cụ dân tộc Việt Nam, biết cấu tạo âm sắc của đàn bầu.

Cô Dung tạo hứng khởi cho các em qua trò chơi “Ô cửa bí mật”, qua đó cô giới thiệu về đàn bầu, một nhạc cụ dân tộc. Học sinh được khám phá cây đàn bầu với cấu tạo các bộ phận. Cô trò cùng nhau thường thức bài hát Trống cơm. Cuối bài học, các em được trải nghiệm hát kết hợp sử dụng thanh phách, song loan để gõ đệm và vận động phụ họa theo bài hát.

Cô giáo Lê Thị Hà, giáo viên Âm nhạc, Trường THCS Võ Thị Sáu, quận Lê Chân, TP Hải Phòng lên lớp với học sinh lớp 6, tiết 1: Hát - bài hát Những ước mơ (Chủ đề 4: Ước mơ hòa bình, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).

Phương pháp làm việc nhóm được cô giáo tận dụng tối đa trong quá trình giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Các em được chia làm 3 nhóm với các nhiệm vụ: Thiết kế và điều hành hoạt động mở đầu của tiết học, hoạt động tìm hiểu bài và luyện tập nhạc cụ. Thông qua các trò chơi do học sinh tự thiết kế, không khí lớp học trở nên sôi động hơn.

Các em tự tin, thể hiện kỹ năng biểu diễn trước đám đông và chủ động tiếp cận kiến thức bài học. Giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, giải đáp những thắc mắc về kiến thức như ký hiệu âm nhạc, thuộc tính âm thanh, âm sắc, cách hát thể hiện được thông điệp của bài hát… để học trò khắc sâu. Kết thúc tiết học, cô và trò cùng nhau biểu diễn bài hát “Những ước mơ”, đồng thời truyền tải thông điệp về hòa bình thế giới.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng, nếu như chương trình hiện hành, môn Âm nhạc chỉ dạy ở cấp tiểu học và THCS thì Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học này được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Môn học được bổ sung thêm mạch nội dung Nhạc cụ, bao gồm nhạc cụ tiết tấu và nhạc cụ giai điệu. Môn Âm nhạc lớp 6 được xây dựng đáp ứng dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, coi trọng thực hành, đa dạng các hoạt động của người học để tạo tính sinh động.

Qua học Nhạc cụ tiết tấu, học sinh biết cách dùng các nhạc cụ gõ để đệm cho bài hát, vận động theo bài hát, bài đọc nhạc mà các em đã học. Ngay cả với bài học thưởng thức nhạc, học sinh không chỉ được thảo luận về nhiệm vụ học tập, hiểu rõ nhiệm vụ của nhóm, mà còn được vận động, gõ đệm khi nghe nhạc.

Cô Dung chia sẻ, với bậc tiểu học, các em được làm quen với môn Âm nhạc như một hoạt động học mà chơi, chơi mà học rất bổ ích. Học sinh hình thành những kiến thức nền về âm nhạc một cách thoải mái, tự nhiên qua các bài hát, trò chơi, vì thế tạo năng lượng tích cực cuốn hút các em.