NĂM MỚI KỂ CHUYỆN NGƯỜI THẦY

Cuối năm, khoảng giao đẹp giữa những trở trăn còn gác lại của năm cũ và bao dự tính cho tương lai, nghĩ về người thầy lớn Lương Minh Sâm - tấm gương về lòng hiếu tri, cái tài và cái tâm sáng của UDA, là niềm cảm hứng đẹp, nguồn năng lượng đầy nhiệt huyết của bao thế hệ thầy và trò trường Đaị học Đông Á. 

U. Dương

Trời vào đông, mùa đông năm nay chẳng bão mưa nhiều, cái se lạnh của tiết trời trong màu nắng vàng vừa đủ để nuông chiều lòng người và đủ ấm để gieo vào lòng người bao hi vọng cho những niềm vui cuối năm. Những ngày này, sân trường Đại học Đông Á như có phần rộn ràng, khe khẽ hân hoan hơn sau những ngày dài âm thầm, miệt mài dạy và học. Trong cái nắng dịu dàng của nàng Đông, cây mai anh đào – biểu tượng của mái nhà Đông Á thêm nhuận sắc. Đâu đó trong sân trường và những dãy hành lang xuất hiện các em sinh viên năm cuối đang chuẩn bị cho khóa luận, đề án tốt nghiệp, cho các thủ tục trước ngưỡng cửa quan trọng. Trên khuôn mặt các em, thoáng thấy sự lo lắng, nặng gánh trách nhiệm nhưng cũng tràn đầy sự tự tin, phong thái mà các em đã được trau dồi sau bao năm trên giảng đường đại học. Bởi lẽ trên hành trình học vấn đầy gian nan, “cơm cha áo mẹ chữ thầy” luôn dõi sát, che chở và canh cánh cho các em trong từng bước chân. Và dưới ngôi trường Đông Á thân thương, vẫn luôn có một người thầy nỗ lực từng ngày để gieo mầm, gieo nghề, gieo việc làm cho các em. Thầy Lương Minh Sâm – không chỉ là Chủ tịch, hơn hết cả, là một người thầy lớn của biết bao thế hệ sinh viên, là tấm gương về lòng hiếu tri, cái tài và cái tâm sáng của các giảng viên, cán bộ trường Đại học Đông Á.

Thật khó để tưởng tượng một Chủ tịch lại rất đỗi dung dị, vui tính, thân thiện, và ấm áp như thầy Sâm. Đó có lẽ là điều mà bất kì ai, dù là giảng viên hay sinh viên đều chung một cảm nhận trong những lần đầu gặp gỡ với thầy. Nhưng ấn tượng đậm nét nhất, thứ làm nên phong thái, “thương hiệu” của thầy Sâm đó là một con người tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng mãnh liệt và say mê trong hết thảy công việc. Ở thầy dường như không có khái niệm về các con số, tuổi tác hay sự trì hoãn, sự dừng lại. Bước đi thời gian gõ nhịp mái tóc thầy, trĩu nặng dáng hình thầy nhưng dường như cũng chính thời gian đã bỏ quên hay trở nên vô nghĩa trước nguồn năng lượng cuồn cuộn luôn sôi sục, chảy trôi trong khối óc, trái tim thầy. Dù bất chợt gặp thầy trên hành lang, trong cuộc họp hay trong các chương trình, buổi liên hoan, ta luôn cảm nhận được một nguồn năng lượng quá đỗi mạnh mẽ, mãnh liệt của thầy toát ra từ điệu cười hào sảng, giọng nói dứt dạt, uy lực mà trầm ấm. Phải tham dự một buổi họp mới hiểu con người ấy đầy trăn trở, sôi nổi, nhiệt thành, năng động, sáng tạo nhường nào. Dường như nguồn mạch ý tưởng chưa bao giờ ngưng trệ trong tâm trí thầy, lắng nghe, phát biểu, quan sát, dặn người này, hỏi người kia, giao trách nhiệm cho người nọ,… Luôn tư duy, luôn vận động, đó là thầy. Đây có lẽ là nguồn cảm hứng cho bao giảng viên – những người mang trọng trách, sứ mệnh gieo mầm tri thức. Thầy thực sự đập tan cái thiên kiến về tuổi tác, sự cũ kỹ; thầy xác quyết cho một điều: không gì là không thể khi ta có một khối óc thông thái và trái tim đầy say mê!

Nhìn thầy, tiếp xúc với thầy, học hỏi ở thầy, ta mới thấm thía hơn chân lí “Học vấn là cuốn sách không trang cuối cùng”. Bởi ít ai biết rằng, đằng sau một vị Chủ tịch, một người thầy tóc đã điểm bạc ấy là tấm lòng hiếu tri vô ngần với chữ nghĩa, sách vở. Thầy luôn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày dẫu cho bộn bề công việc. Bởi sẽ có ý nghĩa gì nếu một người “gieo chữ” lại không “đọc chữ”? Có biết bao tấm gương tự học từ Đông Tây kim cổ mà ta ngợi ca, nhưng có một người thật gần gũi để luôn nhắc nhở ta về sự tự học trong biển trời tri thức mênh mông, ấy là thầy Sâm. Theo học Học viện Hành chính Quốc tế Paris, France, tiếng Pháp như ngôn ngữ mẹ đẻ của thầy, nhưng không dừng ở đó, thầy tự mài mò học tiếng Anh mỗi ngày. Vậy nên, có gì lạ khi ta thấy thầy vẫn một mình với 2 chiếc điện thoại, 1 laptop trong tư trang giản dị mỗi khi sang nước ngoài kí kết các hợp đồng mà không có bất kì một trợ lý, phiên dịch nào.

Nhìn thầy của hiện tại, ta tự hỏi khối năng lượng khổng lồ trong dáng hình ấy được nuôi dưỡng từ đâu? Cũng như bao người khác, thầy Sâm cũng kinh qua bao trầm luân trong đời học, đời làm của mình mà gặt hoa thơm, trái ngọt. Ngạc nhiên biết bao khi người mà chúng ta kính mến gọi là “Thầy” hôm nay đã từng học, từng làm việc ở những mảng ngành hoàn toàn khác giáo dục. Nhưng dù làm ở cương vị nào, có lẽ trái tim mênh mông của người thầy ấy vẫn luôn hướng về, canh cánh, trở trăn khôn nguôi trước nền giáo dục nước nhà, mà cụ thể hơn là tương lai, việc làm cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên ở khúc ruột miền Trung luôn oằn mình nặng gánh mưu sinh. Có thật nhiều cách để ta nâng đỡ, san sẻ, ủ ấp cho quê hương. Và đầu tư cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp giáo dục là hướng đi thiết thực, đẹp đẽ, nhân văn nhất. Quê mình sẽ thay da đổi thịt, những miền quê nghèo heo hút xa xôi sẽ tiệm cận với ánh sáng văn minh, bao cuộc đời sẽ thức đập ý nghĩa hơn khi một người trẻ được trang bị tri thức, kĩ năng, được thả mình giữa môi sinh tiềm năng. Và một bước ngoặc thật đẹp, một cái duyên thật lành mang thầy về trạm dừng của ngôi trường Đông Á thân yêu – nơi thầy tiếp tục những mong nguyện, lí tưởng cao đẹp ấy của mình.

Thầy và trò trường Đông Á đón mừng bao tin vui từ thầy Lương Minh Sâm về những cơ hội việc làm trong những lần thầy tham gia hợp tác, kí kết với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, trường học lớn và uy tín.  Mỗi chuyến đi của thầy thật sự đã mang lại thật nhiều niềm vui, nguồn hi vọng tràn trề vào tương lai tươi sáng và những cơ hội tốt nhất cho sinh viên đại học Đông Á. Nhờ bao tâm huyết của thầy cô trường Đông Á và sự trăn trở, nỗ lực cầu tiến không ngừng của thầy Sâm mà có bao sinh viên từ những miền quê nghèo xa xăm, heo hút của miền Trung đã vươn mình ra biển lớn bao la.  Giữa đại dương mênh mông, sinh viên mình sẽ bỡ ngỡ, sẽ hoang mang, sẽ lo lắng và sẽ đối diện với trùng điệp những gian nan khi vươn ra biển lớn cùng bạn bè quốc tế năm châu. Nhưng từ hôm nay, mỗi ngày, trên đường dài các em dấn bước là bao cơ hội, là những ngã đường rộng mở, là những vùng trời thỏa sức vẫy vùng… Và là bao tin yêu, mong đợi, kỳ vọng của những người thầy, người cô trọn đời nặng lòng với nghiệp giáo yêu thương.

Là người đã kinh qua bao giông bão, thăng trầm của cuộc đời, tuổi tác và trải nghiệm không những không khiến thầy dè dặt trong cái kén an toàn mà trái lại, nó thêm thúc giục thầy dấn bước mạnh mẽ, vững vàng hơn. Câu chuyện “Anh ngữ” của thầy là một minh chứng sống động cho tinh thần “thầy Sâm UDA”. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều đối diện với ít nhiều nỗi sợ hãi, e dè, rụt rè trước điều mình không thật sự rành rẽ, tỏ tường. Nhưng đối với thầy Sâm, biến đoản trường thành sở trường, biến nỗi sợ thành niềm vui chính là cách mà thầy đối diện và dấn thân. Với tiếng Anh, thầy nói, cứ nói, luôn nói trong phong thái đĩnh đạc, tự tin, uy lực. Ta hiểu vì sao trong các chuyến làm việc, kí kết với đối tác nước ngoài, vẫn một mình thầy với tư trang bình dị, đi và “nói”. Nhắc đến thầy, cứ hiện ra hình ảnh một nụ cười hào sảng khích lệ “hãy nói”, “nói đi”. Đâu chỉ dừng lại câu chuyện một sinh ngữ, đó là chuyện về sự dấn thân, dám làm, dám sống, sống trọn vẹn với hết thảy ý tưởng, đam mê, khát vọng của thầy suốt một hành trình, một cuộc đời.

Trước guồng quay như vũ bão của thời đại 4.0 hiện nay, người thầy đáng kính ấy chưa một lần chậm nhịp, lơi lỏng, trì hoãn. Thầy vẫn vậy như cả cuộc đời dài rộng đã qua, vẫn đọc sách mỗi ngày, vẫn tự học ngoại ngữ, vẫn luôn tìm kiếm mọi cơ hội tốt nhất cho sinh viên, vẫn cường độ làm việc như một người trẻ mang một sứ mệnh lớn lao, một trái tim son trẻ. Và ở khắp các hành lang Đại học Đông Á, ngày nào cũng hân hoan, được tiếp lửa, được trao truyền bao cảm hứng khi có thầy ở đó, với phong thái, dáng đi, nụ cười thân thương và tràn đầy năng lượng. Trước sảnh lớn UDA, giọng thầy luôn vang dài đầy uy lực khi tranh biện, cắt nghĩa, tìm giải pháp. Rồi cũng con người ấy trở lại hiền hòa, cười vang, vỗ vai, động viên, xoa dịu bao nhọc nhằn của từng người. Có gì khó hiểu về những khát vọng cháy bỏng của một con người cương trực, quá đỗi nhiệt thành, sôi nổi, của một tâm hồn luôn cuộn trào xúc cảm và tâm ý. Nghĩ lại, bao lần tranh biện, trách giận của thầy cũng chỉ vì quyền lợi của sinh viên mình, vì chất lượng trong từng buổi học, bài giảng cho sinh viên,… Có lẽ, sứ mệnh của một con người với bao công việc vĩ mô rồi cũng gói trọn trong mấy chữ thân thương “vì sinh viên”.

Dẫu biết chúng ta cần nhiều lắm và cũng dài lắm những đổi thay, nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc giáo dục của đất nước, dẫu biết có quá nhiều thử thách và trở ngại nhưng đáng quý sao những tấm lòng luôn đau đáu, trở trăn và đầy bản lĩnh, quyết liệt trong từng hành động như thầy. Thầy không cô độc trên hành trình dấn bước với con chữ, với giáo dục, với nghề nghiệp. Bởi mỗi ngày trong ngôi nhà Đông Á thân thương, các thầy cô vẫn đang tận tụy nghiên cứu – giảng dạy, sinh viên vẫn đang miệt mài đèn sách cho hành trang mà thầy đã nuôi dưỡng, chuẩn bị hôm nay.

Những ngày cuối năm, kẻ tất bật cho kịp bao việc còn dang dở, người chậm rãi ngắm nhìn, dự tính… Một năm gồng gánh và tan tác bởi cơn cuồng khấu của đại dịch có lẽ đã bào mòn ít nhiều những dự định, nhựa sống, nguồn yêu, niềm hân hoan của con người. Nhưng thầy Sâm vẫn vậy, làm việc và say mê, khẩn trương và nồng nhiệt, tươi trẻ và yêu người, yêu đời. Bởi trên hành trình vạn ngày của những người thầy, người cô, làm gì có chỗ cho sự lơi lỏng và ngơi nghỉ. Hình ảnh thầy Sâm gợi nhắc câu nói “Nếu một người được gọi là phu quét đường, hãy quét những con đường như Michelangcle đã vẽ tranh, hãy quét những con đường như Beethoven đã soạn nhạc và hãy quét những con đường như Shakerpear đã làm thơ.” Hành trình vì sinh viên mình của “người thầy việc làm” Lương Minh Sâm cũng tận tụy như Michelangcle đã vẽ tranh, như Beethoven đã soạn nhạc, như Shakerpear đã làm thơ. Nên dù là một người phu quét đường hay một người thầy dạy chữ, chỉ cần hiểu sứ mệnh của mình, dấn  thân, nhiệt thành, hết lòng với công việc. Bởi ta chỉ có một kiếp sống, để cháy, để yêu, để tận hưởng và tận hiến “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”.

Trong cái nắng dịu dàng se sắt những ngày cuối năm, màu hoa anh đào nhuận sắc hồng tươi đã mang bao tin yêu, niềm vui say, phấn khởi cho người dạy, kẻ học trên hành trình không nghỉ của UDA... Cuối năm, khoảng giao đẹp giữa những trở trăn còn gác lại và những hoạch định, dự tính cho tương lai, nghĩ về người thầy lớn Lương Minh Sâm với tất cả sự trân trọng và thương quý.