Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ

.

SVVN - Hoàng Thảo Nhi (sinh năm 2002) là tân cử nhân ngành Tâm lý học, chuyên ngành phụ Khoa học Thần kinh tại trường Đại học Hope College, bang Michigan, Mỹ. Khi chưa chính thức tốt nghiệp đại học, Thảo Nhi đã trúng tuyển chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Louisiana State University, Bang Louisiana, Mỹ với mức học bổng 100% học phí và khoản trợ cấp sinh hoạt trong suốt quá trình học.

 

Lựa chọn Tâm lý học – Đủ yêu sẽ đủ nỗ lực theo đuổi

Chia sẻ với phóng viên, Thảo Nhi tâm sự, lý do lớn nhất khiến cô lựa chọn theo đuổi ngành Tâm lý học là sự yêu thích và niềm đam mê của bản thân với ngành này ngay từ những năm Trung học Phổ thông. Từ sớm, cô đã hứng thú tìm hiểu thêm về Tâm lý học vì nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần trong xã hội. “Mình vẫn luôn thắc mắc rằng vì sao mọi người thường đến thăm khám bác sĩ khi gặp những vấn đề về sức khỏe thể chất, nhưng lại hiếm có ai đề cập hay tìm các biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần”, Thảo Nhi trải lòng.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 1

Hứng thú là vậy, nhưng trong quá trình lựa chọn chuyên ngành ở bậc đại học, cô cũng có nhiều băn khoăn. Ngành Tâm lý học dù không mới nhưng lại không phải là ngành được phần đa sinh viên lựa chọn theo đuổi vì nhiều lý do khác nhau. Đối với một học sinh khi tìm hiểu về một ngành nghề nào đó, những lời chia sẻ “sự thật mất lòng” như “không có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp” hay “rất khó và không cạnh tranh được với người bản xứ khi đi du học” cũng đã khiến cô hoang mang lo sợ.

Thế nhưng, trong quá trình tìm hiểu về các ngành học khác nhau khi chuẩn bị du học thì không có ngành học nào khiến cô cảm thấy có động lực đi học và tràn đầy hứng thú như Tâm lý học. Cô gái 18 tuổi năm ấy đã dũng cảm lựa chọn Tâm lý học theo sự mách bảo của con tim với một niềm tin rằng “đủ yêu sẽ đủ nỗ lực theo đuổi”. Đã gần 4 năm trôi qua, khi sắp tốt nghiệp đại học, Thảo Nhi cảm thấy biết ơn chính mình vì đã kiên trì với đam mê dù đã rất nhiều lúc, cô phải đương đầu với không ít khó khăn trong quá trình học tập.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 2

Thảo Nhi trình bày nghiên cứu khoa học tại trường

Học tập hết mình với chuyên ngành đã chọn

Mặc dù ngành Tâm lý học tại trường đại học Hope College chỉ yêu cầu học 8 lớp để tốt nghiệp, cô đã đăng kí học 15 lớp khác nhau liên quan đến ngành, bởi lẽ cô luôn muốn tìm tòi thêm về các mảng kiến thức khác trong ngành học của mình. Sau 4 năm học với nỗ lực không ngừng, nữ sinh đạt được mức điểm trung bình là 3.98/4.0. Ngoài học tập trên lớp, cô còn tham gia vào rất nhiều dự án nghiên cứu khoa học của 5 giáo sư hướng dẫn khác nhau tại trường. Việc chăm chỉ làm nghiên cứu khoa học từ những năm đầu Đại học đã giúp cô có được thành tích 2 năm liên tiếp đạt giải thưởng nghiên cứu Tâm lý bậc Đại học được trao tặng bởi Hiệp hội Tâm lý học danh dự quốc tế. Trên hết, tham gia vào nghiên cứu từ sớm đã soi sáng niềm đam mê nghiên cứu và khát khao cống hiến cho các nghiên cứu Tâm lý học của cô, từ đó truyền cho cô nguồn động lực để nộp đơn vào các chương trình Tiến sĩ.

 

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 3

Thảo Nhi nhận giải thưởng từ Hiệp hội Tâm lý học danh dự quốc tế

Trong năm học 2023-2024 vừa qua, cô giữ chức vụ Chủ tịch Câu lạc bộ Tâm lý học của trường. Mặc dù là sinh viên quốc tế người Việt Nam duy nhất của khoa Tâm lý, Thảo Nhi đã vượt qua mọi rào cản và rất chủ động trong quá trình học tập cũng như hoạt động ngoại khóa. Ngay từ năm 2, cô đã mạnh dạn ứng tuyển vào Ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ và dần học tập những kỹ năng lãnh đạo để trở thành Chủ tịch. Cô rất vui mừng khi sự cống hiến và lãnh đạo của mình đã được các giáo sư trong khoa công nhận và trao Giải thưởng Tâm lý Craig DeSousa của khoa (giải thưởng ghi nhận khả năng lãnh đạo và xây dựng cộng đồng). Với giải thưởng này, các giáo sư trong khoa đã dành sự công nhận và tin tưởng rằng cô sẽ dùng những điều mình đã học được tại khoa Tâm lý của trường để tạo nên nhiều sự thay đổi có ý nghĩa trong tương lai. Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 5 sắp tới, Thảo Nhi vinh dự được nằm trong danh sách 10% sinh viên năm cuối của trường được đề cử vào Hiệp hội Danh dự Phi Beta Kappa - hiệp hội danh dự học thuật lâu đời nhất của Mỹ.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 4

Sự kiện tô màu bí đỏ nhân dịp Halloween của Câu lạc bộ do Nhi cùng các bạn trong Ban chủ nhiệm tổ chức.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 5

Thảo Nhi được trao giải Tâm lý Craig DeSousa của khoa

Trúng tuyển chương trình Tiến sĩ ngành Tâm lý học Lâm sàng khi chưa chính thức tốt nghiệp Cử nhân

Mặc dù mình rất kiên quyết theo đuổi, quá trình nộp đơn vào các chương trình học Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng vẫn vô cùng khó khăn và đầy căng thẳng”, Thảo Nhi chia sẻ. Bởi, đây là ngành học vô cùng cạnh tranh với tỉ lệ đậu của các trường dao động ở mức 1-5%. Hơn thế, cô phải khiến hồ sơ của mình nổi bật hơn các anh chị khác đã có bằng Thạc sĩ hay đã làm các công việc nghiên cứu toàn thời gian nhiều năm. Vì vậy, cô cố gắng chuẩn bị cho quá trình nộp hồ sơ Tiến sĩ từ rất sớm. Từ năm 2 Đại học, Nhi đã tham gia vào các dự án nghiên cứu để tích lũy nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu trước khi nộp đơn vào bậc học Tiến sĩ.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 6

Nhóm nghiên cứu của Thảo Nhi trình bày tại hội thảo nghiên cứu tại trường

Về các chương trình Tiến sĩ, thay vì lựa chọn những trường danh tiếng nhưng không có giáo sư phù hợp với định hướng của cô, Thảo Nhi tập trung nghiên cứu các chương trình có giáo sư dạn dày kinh nghiệm và chuyên môn về chủ đề bản thân mong muốn theo đuổi. Bởi bậc học Tiến sĩ chú trọng nhiều về học thuật và nghiên cứu, trong bài luận của mình, Thảo Nhi đã cố gắng thể hiện lý do cụ thể tại sao mình mong muốn học tập tại khoa Tâm lý Lâm sàng của trường và làm việc cùng với giáo sư, thay vì đề cập những lý do không thuyết phục như vị trí địa lý hay danh tiếng của trường.

Nhìn lại hành trình đã qua, cô mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành tới các giáo sư Đại học đã rất nhiệt tình trong quá trình giảng dạy cũng như hướng dẫn cô làm nghiên cứu một cách tận tâm. “Các thầy cô là những người đã chỉ cho mình rằng mình phải chuẩn bị thật sớm nếu muốn nộp đơn vào bậc Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng”, Nhi chia sẻ thêm. Nhìn thấy tố chất và tiềm năng phát triển của cô, giảng viên tại trường đại học luôn tạo cơ hội và tin tưởng để Nhi lãnh đạo các dự án nghiên cứu khoa học, giúp cô rèn luyện khả năng làm nghiên cứu độc lập và trở thành người tiên phong quản lý các dự án nghiên cứu bậc Tiến sĩ. Các giáo sư Đại học cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ cô trong quá trình viết bài luận hay khi cô cần những bức thư giới thiệu, và cả khi cô mong muốn luyện tập cho cuộc phỏng vấn với lịch trình kéo dài từ sáng đến tối.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 7

Thảo Nhi hoạt động tại phòng nghiên cứu

Giây phút nhận được thông báo trúng tuyển chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng với mức học bổng hỗ trợ toàn phần học phí và trợ cấp tại Louisiana State University, Bang Louisiana, Mỹ, Thảo Nhi cũng như bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè đều vỡ òa trong cảm xúc. “Mình cảm thấy vô cùng biết ơn vì mọi người đã ở bên mình trong những ngày tháng khó khăn cũng như những giây phút vui mừng như vậy”, cô bày tỏ.

Nữ sinh sinh năm 2002 nhận học bổng 100% học phí từ chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng tại Mỹ ảnh 8

Với riêng cô, khi ước mơ đã thành, cô thấy phần nào trong mình nhẹ nhõm vì không chỉ đạt được điều tưởng chừng như không thể mà còn được miễn toàn phần học phí cũng như được nhận thêm trợ cấp khi đi học. Nữ du học sinh chia sẻ: “Mình rất biết ơn vì điều này bởi vấn đề tài chính khi đi du học nhiều năm liền không phải là một vấn đề đơn giản với hoàn cảnh gia đình của mình”. Trong vòng ít nhất 5 năm tới khi theo học Tiến sĩ, Nhi vô cùng mong đợi để được bắt tay vào đóng góp cho các dự án nghiên cứu về vấn đề rối loạn hướng ngoại hay những rối nhiễu hành vi ở trẻ em và thanh thiếu niên. Cô cũng mong muốn được học thêm nhiều về các phương pháp tham vấn tâm lý và trau dồi thêm kinh nghiệm thực hành tham vấn tâm lý để hướng đến mục tiêu trở thành một nhà nghiên cứu và nhà tham vấn tâm lý học sau này.