Phục hồi du lịch hậu đại dịch Covid-19 tại khu vực Đông Á, chủ đề hội thảo quốc tế XI tại Đại học Đông Á

.

Tác giả Lisa Zhou, Đại học Huaqiao (Trung Quốc): Trình độ dịch vụ trực tuyến và tư duy trực tuyến được cải thiện rất nhiều, nguồn cung du lịch phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ đúng với nhu cầu mới.

Kỷ yếu chính thức của hội thảo XI.

(DSA) – Ngày 27/5, hội thảo quốc tế lần thứ XI với chủ đề “Phục hồi du lịch hậu đại dịch Covid-19 tại khu vực Đông Á” đã diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Đại học Đông Á – Việt Nam, kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hội thảo quốc tế XI nằm trong khuôn khổ diễn đàn trao đổi học thuật Châu Á Thái Bình Dương -, một diễn đàn quốc tế thường niên giữa các trường đại học với mục tiêu góp phần trao đổi học thuật, kết quả nghiên cứu khoa học và đào tạo nhằm thúc đẩy kinh tế và xã hội lâu dài của khu vực.

Đây là lần đầu tiên hội thảo được đăng cai tổ chức bởi Đại học Đông Á – Việt Nam, thành viên chính thức của diễn đàn.

Ngày 29/4/2022, đường bay Incheon – Đà Nẵng chính thuwssc được nối lại. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc đầu tiên (đang vẫy chào) đặt chân đến Đà Nẵng (sau thời gian dài đường bay bị đóng băng) . -Ảnh trong bài: T.Ngọc & Ban Truyền thông Đại học Đông Á.

Hội thảo quy tụ 11 tham luận chuyên ngành được trình bày bởi hơn 20 chuyên gia quốc tế đến từ các viện, trường đại học ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó gồm 4 trường thành viên diễn đàn: Đại học Nagasaki (Nhật Bản), Đại học Dong-A (Hàn Quốc), Đại học Huaqiao (Trung Quốc) và Đại học Đông Á (Việt Nam).

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên của các Viện Nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành Quản trị, Du lịch tại Việt Nam cũng đăng ký tham gia hội thảo.

Các tham luận, báo cáo khoa học tại hội thảo thể hiện những góc nhìn khoa học liên ngành, đa ngành đưa ra nhiều phân tích và ứng dụng trên nhiều phương diện khác nhau. Đó là chuỗi giải pháp công nghệ trong du lịch; giáo dục công nghệ và chuẩn bị nguồn nhân lực; các đề xuất nghiên cứu và phát triển du lịch kiểu mới; tái quy hoạch du lịch hậu Covid-19; phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội trong phục hồi sau đại dịch,… Tất cả đều hướng vào trọng tâm của chủ đề là thiết thực thúc đẩy phục hồi du lịch và phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn hậu Covid-19, một cách hiệu quả, theo những lộ trình nhất định.

Thầy Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á, phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

“Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quốc gia ở khu vực Đông Á đang bắt đầu thực hiện các chính sách mở cửa và tái phục hồi ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch. Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu bàn luận về cách thức hỗ trợ hoạt động du lịch từ quy mô địa phương đến toàn cầu nhằm góp phần đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch bền vững. Trong đó, với vai trò là một cơ sở giáo dục, Đại học Đông Á sẽ có những định hướng rõ ràng, đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới thích ứng nhanh với hoạt động phục hồi du lịch.”, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á phát biểu tại phiên chủ trì của Hội thảo.

Nghiên cứu sở thích du lịch của du khách sau đại dịch bằng phân tích dữ liệu văn bản mạng xã hội, đối tượng nghiên cứu được chọn từ 7 quốc gia ở châu Á, báo cáo “Phân tích nhận thức và hành vi của khách du lịch Châu Á sau đại dịch” của tác giả Lisa Zhou, Đại học Huaqiao (Trung Quốc) cho thấy:

Nhu cầu tiêu dùng du lịch đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch, bên cạnh đó là những yêu cầu mới của người dân đối với sự phát triển du lịch chất lượng cao. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số và việc ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Chẳng hạn như thu thập thông tin du lịch, lựa chọn nhà cung cấp, kích thích tiêu dùng, thanh toán thuận tiện và chia sẻ xã hội. Và đây là điểm đột phá tạo nguồn cung du lịch mới.

2 năm dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều quan niệm và thói quen tiêu dùng của người dân, trình độ dịch vụ trực tuyến và tư duy trực tuyến cũng đã được cải thiện. Điều này cũng đòi hỏi nguồn cung du lịch phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ theo nhu cầu mới, nâng cao khả năng thích ứng tổng thể và hiện thực hóa du lịch thông minh, tìm các sản phẩm thay thế ở chính doanh nghiệp mình để giảm bớt ảnh hưởng từ các sự kiện bất ngờ đến sự phát triển du lịch.

 

Thầy Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á, tặng hoa các Giảng viên trẻ của Đại học Đông Á, có báo cáo khoa học trình bày tại hội thảo.

 

Thông qua dữ liệu từ sách trắng và khảo sát về du lịch, cũng như các bài báo từ các tờ báo trong nước (ở Nhật Bản), đề tài nghiên cứu “Những thách thức đối với du lịch bền vững ở Nhật – ví dụ từ Kyushu” của nhóm tác giả Akihiko SUZUKI, Xi JIA – Đại học Nagasaki, Nhật đã nêu ra những thay đổi trong xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19. Đó là sự ra đời của một phong cách du lịch mới: Du lịch quy mô nhỏ, làm việc và kết hợp kỳ nghỉ, du lịch bền vững ở Nhật Bản. Trong đó, du lịch bền vững sẽ là một trong những đòn bẩy cho sự phục hồi của du lịch.

Phân tích không gian địa lý và tính phù hợp của địa điểm quản lý chất thải du lịch tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, nghiên cứu “Xây dựng nền tảng dữ liệu không gian địa lý để quản lý chất thải du lịch tại thành phố Đà Nẵng” của TS. Lê Ngọc Quang – Đại học Đông Á, hướng đến thúc đẩy giải pháp công nghệ thông qua hệ thống dữ liệu địa lý như một công cụ hỗ trợ trong quản lý chất thải du lịch thành phố.

Nghiên cứu cũng xác định các bên liên quan trong quản lý và vệ sinh môi trường để hợp tác hướng tới đạt được một chương trình quản lý chất thải bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Phương pháp tiếp cận sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám (RS), xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý trong quản lý chất thải du lịch thành phố làm dữ liệu cơ sở cho quốc gia. Nghiên cứu thúc đẩy sức mạnh tổng hợp, cam kết và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan trong quản lý chất thải du lịch đô thị (MTW) ở Việt Nam.

TS. Lê Ngọc Quang – Đại học Đông Á.

 

Báo cáo “Xu hướng và đặc điểm của chính sách du lịch Hàn Quốc – Tập trung vào Du lịch và Di sản Thế giới của UNESCO” của tác giả Cherry KWON – Đại học Dong-A, Hàn Quốc, chỉ ra các đặc điểm chính của ngành du lịch ở Hàn Quốc: Sự phát triển của du lịch di sản văn hóa, đa dạng hóa các mặt hàng mua sắm như mỹ phẩm; khuyến khích sở thích trong Hallyu (sóng Hàn – Hàn lưu, hiểu theo nghĩa: Làn sóng Hàn Quốc); tiến bộ trong du lịch y tế. Hiệu ứng du lịch từ việc các di sản thế giới được UNESCO công nhận là rõ rệt với ước tính rằng, tại Hàn Quốc, số lượng khách du lịch đã tăng lên trong ít nhất hai năm sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Phân tích trên 300 bảng câu hỏi khảo sát, nội dung trình bày về chủ đề “Tác động của động cơ trực tuyến của người tiêu dùng đến ý định mua hàng trực tuyến trong đại dịch Covid-19: so sánh người tiêu dùng thế hệ X và thế hệ Y (hay còn gọi là Millennial)” của nhóm nghiên cứu Ngô Thị Sa Ly và Trần Thị Tâm Châu – Đại học Đông Á, Việt Nam chỉ ra rằng, có 3 động lực được thiết lập liên quan đến ý định mua hàng của người tiêu dùng, đó là: tính hữu ích được nhận thức, các chỉ tiêu chủ quan bên ngoài và động lực hưởng thụ. Trên cơ sở những kết quả thu được, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến thế hệ Z và Y cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật, hội thảo còn là nơi các đơn vị thành viên tìm kiếm sự hợp tác, phát triển đa phương, qua đó sẵn sàng xúc tiến hợp tác nhiều mặt dựa trên thế mạnh của từng trường thành viên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chia sẻ sáng kiến và chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao thuộc các lĩnh vực nghiên cứu.

Sau phiên đăng cai của Đại học Đông Á – Việt Nam, hội thảo học thuật Đông Á lần thứ 12 sắp tới sẽ được diễn ra tại Nhật Bản, do Đại học Nagasaki chủ trì./.