Tình nguyện trực Tết trong bệnh viện

TP - Tết đã đến thật gần, có những bạn trẻ vẫn “bình thản”, ngày đêm tất bật trong bệnh viện dã chiến. Tết này họ không về quê, tình nguyện ở lại để cùng thành phố chống dịch.

Trực chốt, chuyển hàng, phát cơm…

Giữa buổi sáng, Phùng Thị Huyền (SV trường ĐH Đông Á) đang trong ca trực tại cổng Bệnh viện dã chiến Khu Ký túc xá phía tây TP Đà Nẵng. Huyền tiếp nhận đồ đạc, vật dụng của người nhà bệnh nhân đang điều trị tại đây gửi vào. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, Huyền nhận những túi đồ người nhà mang tới, hướng dẫn họ ghi đầy đủ thông tin về tên, năm sinh, số điện thoại, số phòng, khu nhà bệnh nhân đang điều trị. Khi xe đẩy chất đầy những túi áo quần, thùng thực phẩm… sẽ được vận chuyển vào bên trong. “Buổi sáng em trực từ 8h-10h, chiều từ 14-17h. Nhiều hôm bệnh nhân đông, người nhà tới gửi đồ liên tục, cũng mệt bở hơi tai. Nhưng mọi người tự dặn nhau đi tình nguyện là phải gắng hết sức”, Huyền nói.

Dậy từ lúc gần 5h sáng, Ngô Thị Mai Lan, sinh viên cùng trường với Huyền phải lo kiểm tra suất ăn để phát cho cả bệnh viện. Những suất ăn của nhân viên y tế được mang đến tận nơi. Còn hàng trăm suất ăn của bệnh nhân thì đưa tới khu điều trị, đặt ở phía ngoài để điều dưỡng mang vào trong. Sáng nào cũng vậy, phải mất hết hơn một tiếng đồng hồ Lan cùng các bạn mới chuyển hết suất ăn cho cả bệnh viện. Xong xuôi mới bắt đầu ăn sáng. Nếu có lịch học, Lan sẽ học online, còn không thì ra trực chốt phía trước cổng. Đến gần giờ cơm trưa, cơm tối lại tiếp tục kiểm tra, phân loại, vận chuyển suất ăn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Ngoài công việc được phân công rõ ràng, khi có thời gian rảnh, những sinh viên tình nguyện lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, làm sạch trong ngoài khuôn viên bệnh viện.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nhìn nhận, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên đóng góp không hề nhỏ trong quá trình điều trị F0 tại bệnh viện dã chiến.

“Mỗi ngày các bạn trực chốt, hướng dẫn, tiếp nhận đồ đạc từ bên ngoài gửi vào, phát cơm cho gần 800 bệnh nhân đang điều trị và cho cả nhân viên y tế. Một khối lượng công việc không hề nhỏ. Và sự nhanh nhạy của các bạn cũng rất quan trọng. Như việc vận chuyển thức ăn, phải chuyển tới khi cơm còn nóng, thơm, nguyên mùi vị để bệnh nhân cảm nhận được. Cũng là một yếu tố cần trong điều trị”, BS Nhân cho hay.

Đón Tết trong bệnh viện

Đây không phải lần đầu tiên Huyền, Lan, hay những sinh viên tình nguyện khác có mặt tại bệnh viện dã chiến. Tháng 9/2021, Lan đăng ký với trường lên bệnh viện dã chiến hỗ trợ cho đến khi số bệnh nhân còn ít, bệnh viện đóng cửa. Đến tháng 11/2021, Đà Nẵng kích hoạt lại bệnh viện dã chiến, Lan lần nữa có mặt. Tới nay đã hơn 2 tháng. Vậy mà cô sinh viên quê Gia Lai này vẫn không chịu “rút quân” để về quê đón Tết. Dù ba mẹ ở nhà rất mong, bởi gần một năm trời con gái chưa về nhà. “Em đăng ký ở lại xuyên Tết rồi. Vì thấy suốt mấy tuần nay ngày nào Đà Nẵng cũng gần cả ngàn ca nhiễm. Ra Tết, nếu trường tổ chức dạy trực tiếp lại thì em mới xin nghỉ tình nguyện để đi học, còn không thì vẫn cứ ở đây, góp sức với bệnh viện”, Lan trải lòng.

Cũng vì thấy dịch còn căng thẳng, công việc tại bệnh viện dã chiến chất chồng, Trần Quốc Dũng (sinh viên ngành Công nghệ thông tin, ĐH Đông Á) quyết không về nhà ăn Tết. Dũng vừa hỗ trợ vòng ngoài, vừa đưa 3 bữa cơm mỗi ngày khắp bệnh viện. Gần Tết, người dân đi lại, tiếp xúc đông, Dũng lo ca nhiễm khó lòng giảm, áp lực cho cơ sở điều trị thêm nhiều. “Vậy nên em cứ ở lại, mỗi người đóng góp một chút sức lực qua thời điểm căng thẳng này. Nếu không cấn việc học trực tiếp hay trở ngại gì, thì em tình nguyện hỗ trợ cho đến khi bệnh viện dã chiến đóng cửa mới về”. Còn Phùng Thị Huyền, ngoài sự tự nguyện gác Tết của bản thân, cô sinh viên quê Nghệ An còn nhận được sự ủng hộ của gia đình. Cả nhà động viên Huyền ở lại, còn nhiều mùa sum họp, Tết năm nay để sức trẻ cống hiến cho tuyến đầu.

Hiện Bệnh viện dã chiến Khu Ký túc xã phía tây thành phố Đà Nẵng có khoảng 30 tình nguyện viên là sinh viên và nhân viên các cơ sở y tế. Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 800 bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, cần theo dõi chặt.