Tư vấn tâm lý học đường: Trẻ cần, người lớn… không vội

GD&TĐ - Dịch bệnh, những xáo trộn trong cuộc sống, học tập đã dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý đáng lo ngại với lứa tuổi học trò.

Trong bối cảnh này, việc xây dựng, phát triển các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tâm lý học đường càng trở nên quan trọng.

Cùn mòn kỹ năng sống

Cô Đinh Trinh, chuyên viên tham vấn tâm lý học đường Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, nhận định: Đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi hình thức học tập, từ trực tiếp sang trực tuyến, để vừa bảo đảm an toàn, vừa không gián đoạn việc học của học sinh.

Bên cạnh những lợi ích cũng có hạn chế nhất định mà hình thức này đem lại. Một nghiên cứu trên học sinh một trường THPT ở Phần Lan đã phát hiện rằng, học sinh nhận thấy mệt mỏi và nặng nề với khối lượng công việc trong quá trình học trực tuyến, làm giảm động lực học tập của học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và học tập của các em. (Niemi & Kousa, 2020).

Điều này, theo cô Đinh Trinh, cũng không là ngoại lệ với một số học sinh ở trường Olympia. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức, song qua những trao đổi cá nhân, các bạn chia sẻ về cảm giác cô đơn khi chất lượng của những cuộc tương tác bạn bè giảm sút, đặc biệt là học sinh vào năm đầu tiên hoặc những bạn vốn đã có một vài khó khăn trong giao tiếp.

Tuy nhiên, cũng có nhóm học sinh vẫn duy trì được sự tương tác với nhau, song qua hình thức gameonline. Học trực tuyến tạo cơ hội cho các bạn chơi cùng nhau nhiều hơn và ảnh hưởng không ít tới sự tập trung, hứng thú đối với việc học và chất lượng của các mối quan hệ thực đang diễn ra trong gia đình.

Cùng ý kiến như cô Đinh Trinh, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại khi học sinh thường xuyên học online trong căn phòng nhỏ với 4 bức tường, không được đến trường đến lớp, không được vận động, giao lưu với bạn bè. Cha mẹ bận đi làm không kịp thời quan tâm, chia sẻ, động viên các con…

Cùng với tâm sinh lý thay đổi, cộng hưởng những nguyên nhân dẫn đến các em có suy nghĩ, hành động tiêu cực, lệch lạc, mất cân bằng về cảm xúc, cáu giận, bực bội, tìm đến trò chơi, xem hình ảnh, nội dung phản cảm trên Internet… dẫn đến phản ứng tiêu cực với cha mẹ, thầy cô. Do đó, hơn lúc nào hết, trẻ cần được nhà trường, thầy cô, cha mẹ dành nhiều thời gian để quan tâm đến sức khỏe tinh thần của các em, chứ không chỉ kết quả học tập và sức khỏe thể chất.

“Học sinh thường xuyên bị ám thị bởi dịch bệnh sẽ khó lòng tập trung và có hứng thú vào những hoạt động sống khác; đây là trở ngại lớn để tìm hứng khởi học tập. Các em đồng thời gặp nhiều khó khăn trong tự tìm ra phương pháp học tập khi chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến. Có em chia sẻ không thể tập trung học. Em thì cho biết căng thẳng khi học online. Em lại cho biết do gia đình nhiều khó khăn, phải phụ cha hái chôm chôm nên thường phải nghỉ học…” – cô Trần Huỳnh Nhị chia sẻ.

Là giáo viên có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực tư vấn, tác động tâm lý đầu tiên tới học sinh được cô Trần Huỳnh Nhị (Trường THPT Hòa Ninh, Vĩnh Long) nhắc đến là nỗi lo lắng: Lo bản thân và người thân nhiễm bệnh, lo cuộc sống gia đình gặp khó khăn, lo cả việc học sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại. Dịch bệnh cũng tạo ra rất nhiều “khoảng trống” khiến con người bức bối, nảy sinh buồn chán, căng thẳng, stress. 

Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) cũng khẳng định, học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý học sinh. Đầu tiên, do một ngày học sinh phải đối diện với màn hình máy tính, điện thoại vài tiếng đồng hồ, trong khoảng không gian chật hẹp của căn phòng.

Tiếp đó, học sinh không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí; giao tiếp với bạn bè, thầy cô bị hạn chế rất nhiều. Ví dụ như khi gặp vấn đề về bài tập, các em không có cơ hội để trao đổi, thảo luận trực tiếp với bạn bè hoặc hỏi ý kiến thầy cô. Đây là một hạn chế rất lớn, làm cho học sinh không còn thấy hứng thú với việc tìm hiểu kiến thức.

Ngoài ra, khi học online tại nhà, học sinh chịu nhiều tác động từ việc sinh hoạt, buôn bán, các thành viên của gia đình; khiến các em khó có thời gian và không gian để tập trung cho việc học. Những hạn chế của việc học online đó làm cho học sinh bị áp lực, stress, tâm lý trở nên dễ cáu gắt, buồn rầu, lo lắng, tính tình cũng thay đổi theo. Nhiều trẻ có kết quả học tập đi xuống và giảm ham muốn phấn đấu khi phải học online.

Học sinh Olympia thực hành phản chiếu suy nghĩ sau các hoạt động.

Cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh

Công tác tư vấn tâm lý học sinh trong nhà trường vốn quan trọng, trong bối cảnh hiện nay lại càng quan trọng hơn. Các chuyên gia cho rằng, đây không phải là việc làm của riêng nhà trường hay giáo viên làm công tác chủ nhiệm, mà cần được quan tâm sát sao và có sự phối hợp, chia sẻ của nhà trường và gia đình.

Theo đó, Ban giám hiệu nhận thức đúng tầm quan trọng của tư vấn tâm lý học đường và có những hành động cụ thể, quyết liệt triển khai hiệu quả hoạt động này trong nhà trường. Giáo viên làm công tác tư vấn phải có năng lực, nghiệp vụ vững vàng; giáo viên làm công tác chủ nhiệm đồng hành với từng bước phát triển cả về kiến thức cũng như thể chất, tinh thần của học sinh. Gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, quan tâm sát sao con em mình...

Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông của Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ nguyên tắc thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng trong nhà trường và sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh và các lực lượng ngoài nhà trường có liên quan trong hoạt động tư vấn tâm lý học sinh. Đồng thời, đảm bảo quyền được tham gia, tự nguyện, tự chủ, tự quyết định của học sinh và bảo mật thông tin trong các hoạt động tư vấn tâm lý theo quy định của pháp luật.

Với những hạn chế học online, cùng tác động nhiều mặt của dịch bệnh, thầy Nguyễn Đức Hùng cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường càng trở nên rất quan trọng. Các chuyên gia tư vấn hoặc thầy cô là người tư vấn tâm lý cho học sinh, giúp học sinh vượt qua những áp lực.

Theo thầy Hùng, trong điều kiện dạy học online, có thể sử dụng một số phương pháp giúp tâm lý học sinh tốt hơn. Chẳng hạn, thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu trực tuyến để học sinh có thể trò chuyện cùng với bạn bè, nhận lời khuyên từ thầy cô hoặc chuyên gia tâm lý. Ngoài ra, có thể mở các chương trình rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, như: Tập thể dục, nấu ăn, chơi nhạc cụ, hát cho nhau nghe, sinh hoạt câu lạc bộ… giúp học sinh được hoạt động, giảm tác động xấu cho việc học online và giãn cách gây ra.

Đi trước một bước

Cô Trần Huỳnh Nhị thì nhấn mạnh: Công tác tâm lý phải đi trước một bước để giúp học sinh hình dung được những gì phải đối mặt và hướng dẫn các em kỹ năng đối mặt. Người tư vấn sẽ đưa ra những giải pháp, gợi ý cho học sinh theo từng chủ đề cụ thể. Công tác này nhằm giúp học sinh một cách đại trà, bước đầu được trang bị kỹ năng thích nghi. Ví dụ, tư vấn kỹ năng tập trung khi học online, cách học online an toàn và có văn hóa, giữ sức khỏe khi học online.

Ngoài ra, người làm công tác tư vấn tâm lý học đường còn có vai trò tham vấn; tức là lắng nghe từng trường hợp cụ thể để từng bước giúp học sinh tìm ra giải pháp phù hợp với từng hoàn cảnh. Yếu tố tạo nền tảng cho công tác tham vấn chủ yếu là: Học sinh cần sự đồng cảm trước những mất mát, khó khăn về điều kiện kinh tế; học sinh cần được hướng dẫn để có được suy nghĩ tích cực, biết cách quản lý thời gian...

Chia sẻ một vài cách làm của công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh dịch bệnh, cô Trần Huỳnh Nhị nhắc đến việc xây dựng mối quan hệ để tạo niềm tin cho học sinh qua từng tiết học. Vì chỉ khi tin tưởng các em mới mạnh dạn chia sẻ. Kế đến, tạo kênh tương tác để kết nối với học sinh, gửi cho các em xem, đọc những thông tin ngắn gọn, bổ ích để ổn định tinh thần. Có thể tổ chức cho học sinh chia sẻ trực tiếp qua Zoom theo những chủ đề mà các các em muốn đề cập.

“Song hành cùng công tác giáo dục, dạy học trong nhà trường, công tác tư vấn học đường đóng vai trò cần thiết, quan trọng trong chăm sóc đời sống tinh thần của học sinh” - khẳng định điều này, chia sẻ cách làm của Trường Olympia, cô Đinh Trinh đề cập đầu tiên đến việc phòng ngừa. Theo đó, các chương trình phòng ngừa được xây dựng đa dạng, vừa hướng tới giúp học sinh hiểu được chính mình; đồng thời nâng cao nhận thức về những vấn đề đang diễn ra, có được khả năng tự cân nhắc và ra được các quyết định an toàn cho bản thân. Giáo viên chủ nhiệm/giáo viên cố vấn, hội học sinh cùng phối hợp để triển khai nội dung trong chương trình này trên toàn thể học sinh.

Giải pháp tiếp theo được nhà trường thực hiện là hỗ trợ nhóm: Thực hiện trên những học sinh cùng có chung mối bận tâm hoặc khó khăn. Không chỉ nhận hỗ trợ từ chuyên viên tâm lý, các bạn trong nhóm cũng trở thành những người hỗ trợ đồng đẳng cho nhau một cách hữu ích, điều này càng có giá trị khi sự tương tác bạn bè phần nào đã bị hạn chế.

Cùng với đó là hỗ trợ cá nhân, giải pháp này dành cho những bạn có vấn đề cần được tham vấn, hỗ trợ riêng. Bên cạnh làm việc riêng cùng học sinh, chuyên viên tâm lý cũng sẽ có kết nối thêm với phụ huynh, giáo viên để tạo ra hệ thống hỗ trợ hiệu quả đối với khó khăn của học trò.

Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường.

Tham vấn tâm lý cho học sinh là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của cán bộ, giáo viên tư vấn đối với học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó.

Mục đích của công tác tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

Thông tư 31/2017/TT-BGDĐ hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.