GD&TĐ - Trong nền kinh tế thị trường, xã hội có nhiều biến động, tạo áp lực lên thế hệ trẻ.
Hoạt động tư vấn tâm lý của Trường Nguyễn Siêu được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.
Thêm vào đó tình hình dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, giáo dục gia đình đang khủng hoảng dẫn đến nhiều HS bị rối loạn tâm lý, suy nhược về tinh thần, mất niềm tin, dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… Để các em vững tâm đón vận hội mới, rất cần sự vào cuộc tích cực của công tác tư vấn tâm lý học đường. Trong đó, phát huy thêm mô hình tư vấn trực tuyến.
Tạo “khả năng miễn dịch”
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) triển khai hoạt động tư vấn tâm lý cho HS từ nhiều năm nay. Công tác này được thực hiện qua hai hình thức, hoặc trực tiếp (cho HS đang gặp khó khăn), hoặc gián tiếp (đối với người gây khó khăn hoặc làm tổn thương HS). Nhờ tư vấn kịp thời đã ngăn chặn được nhiều biểu hiện tiêu cực của HS như muốn tự tử, chán học, thiếu ý chí quyết tâm…
Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thông tin: Khảo sát của nhà trường cho thấy, nhu cầu được chia sẻ, gỡ rối về những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống của HS khá lớn. Ngoài ra, HS lớp 12 còn có nhiều tâm tư về tình cảm, giới tính, những xung đột trong việc chọn ngành nghề… Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn cho HS, bao gồm: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm.
Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là một trong số các trường tổ chức tư vấn tâm lý cho HS khá sớm thông qua việc hình thành Văn phòng tâm lý tuổi hồng. Khác với một số trường, cán bộ tư vấn của trường THCS Ngô Sỹ Liên không phải là thầy cô giáo của trường mà là chuyên gia tâm lý đến từ một số trường đại học. Theo ban giám hiệu nhà trường, cách thức này tạo cho HS cảm giác thoải mái, an toàn và được bảo mật hơn khi giãi bày, chia sẻ. Hoạt động tư vấn cũng khá đa dạng gồm: Tư vấn tâm lý, trị liệu can thiệp, tập huấn kỹ năng sống và tư vấn phòng ngừa. Từ chỗ còn e dè, đến nay, HS nhà trường đã mạnh dạn, chủ động tìm sự hỗ trợ tại văn phòng.
Cô Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên nhận định: Qua tư vấn tâm lý, nhiều HS đã được can thiệp tâm lý kịp thời, tránh được những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều em có những thay đổi trong nhận thức, hành vi và phong cách ứng xử trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô và trở nên bản lĩnh, tự tin hơn khi vướng phải khó khăn, áp lực từ việc học, gia đình, xã hội…
Tư vấn tâm lý học đường online
Trong bối cảnh HS phải tạm nghỉ học do dịch Covid-19, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý trực tuyến dành cho HS toàn hệ thống. TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết: Hoạt động tham vấn và tư vấn trực tuyến vẫn bảo đảm các nguyên tắc bảo mật thông tin (tên, lớp, vấn đề…); Lắng nghe và tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh… Vì vậy, HS có thể chia sẻ, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về những lo lắng, băn khoăn của mình. Dịch vụ này là hoàn toàn miễn phí, dành cho tất cả HS với mong muốn hỗ trợ các em tìm được cách giải quyết phù hợp cho vấn đề của mình.
Phòng tâm lý học đường của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 7 thầy cô dưới sự cố vấn của PGS.TS Tâm lý Trần Lệ Thu. Các thầy cô đều là chuyên viên tâm lý, được đào tạo và có kinh nghiệm tham vấn, tư vấn đồng hành với lứa tuổi học sinh. Mọi thông tin tham vấn (tên, lớp, vấn đề gặp phải...) được bảo mật bằng văn bản cam kết. Hoạt động đã thu hút nhiều HS xin được tư vấn, các em mạnh dạn chia sẻ những khúc mắc tâm sinh lý qua hình thức trực tuyến. Hoạt động này tiếp tục được duy trì khi các em đi học bình thường. Bên cạnh đó, trường lập một trang riêng trên Facebook riêng về tư vấn tâm lý, HS có thể chia sẻ online ngay trên trang để được tư vấn kịp thời…
Trường Phổ thông Nguyễn Siêu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2017 có phòng tư vấn tâm lý học đường với bàn ghế, tủ sách và một số phương tiện khác được bố trí để bảo đảm tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận. Cán bộ Phòng Tư vấn tâm lý được đào tạo chuyên sâu (cử nhân Tâm lý học trường học – ĐH Sư phạm Hà Nội), tập huấn bài bản và thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý cho HS. Trường cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống các tệ nạn xã hội, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống với các chủ đề như: Tình bạn, tình yêu và các vấn đề sức khỏe vị thành niên, Smartphone – bao nhiêu là đủ?, Tôn trọng sự khác biệt, Xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường, Nói sao cho cha mẹ hiểu...
Cô Nguyễn Thu Huyền - Chuyên viên tâm lý của trường cho biết: Trường tổ chức tư vấn trực tuyến thông qua 2 kênh là tin nhắn fanpage và tư vấn qua email của Phòng tâm lý. Trong hơn 1 năm trở lại đây, HS tham gia tư vấn/tham vấn ngày càng đông, không còn tâm lý ngại ngần như khi mô hình mới hoạt động. Hình thức tư vấn trực tuyến còn thu hút nhiều phụ huynh HS tham gia.
Theo chuyên gia Tâm lý Đinh Đoàn, tư vấn tâm lý trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để những mô hình tư vấn online thu hút được HS, tạo sự tin cậy để các em bộc bạch suy nghĩ, băn khoăn. Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin rất quan trọng nhưng “điểm nhấn” vẫn là đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn phải có tính chuyên nghiệp và hiểu được sâu sắc nhu cầu tư vấn theo sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi HS…
Vai trò, tác dụng của hoạt động tư vấn tâm lý học đường là hướng tới ngăn chặn và phòng ngừa cho tất cả HS nhằm tạo ra “khả năng miễn dịch” trên diện rộng chứ không chỉ tập trung vào các HS có vấn đề cần hỗ trợ. Điều này góp phần tạo môi trường phát triển tâm lý lành mạnh cho mọi HS, môi trường học đường an toàn, thân thiện. Với định hướng như vậy, hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học đường có thể đóng góp trực tiếp cho công tác giáo dục, hình thành phẩm chất và năng lực HS theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa, Khoa Tâm lý- Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội