Đại học Đông Á: Đồng hành tham vấn, chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh hậu Covid-19

TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á: Thực tế yêu cầu tất cả chúng ta phải tăng cường thêm những hoạt động hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cá nhân, nhóm và cộng đồng.

(DSA) – “Vừa qua, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cùng các giảng viên, sinh viên ngành Tâm lý học thuộc Khoa Sư phạm trường Đại học Đông Á đã phối hợp với các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức Chương trình CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN HỌC ĐƯỜNG.

Chương trình bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023 với nhiều chuyên đề, nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần của các em học sinh tại 8 trường THPT trên địa bàn. Chương trình còn tiếp tục thực hiện đến hết năm 2023, theo lịch đăng ký của các trường THPT… Tham vấn hay trị liệu cần được phổ biến rộng rãi và đi sâu vào từng ngóc ngách trong mỗi gia đình, lớp học, nhà trường…”, TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á, nhấn mạnh.

Ngày 28/4, Đại học Đông Á đã tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Tham vấn và trị liệu tâm lý cho học sinh – sinh viên hậu Covid-19” và ký kết hợp tác về tham vấn và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh các tỉnh miền Trung.Các tham luận góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất nhiều các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh phù hợp theo độ tuổi, hoàn cảnh, tính địa phương.

Tham vấn và trị liệu tâm lí cho học sinh-sinh viên hậu Covid-19: Những lo ngại đáng kể về sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ
Hội thảo khoa học “Tham vấn và trị liệu tâm lí cho học sinh-sinh viên hậu Covid-19” quy tụ 15 tham luận chuyên môn, trong đó có 6 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo cùng hơn 50 các nhà nghiên cứu, nhà tâm lí học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học đào tạo ngành Tâm lý học trong cả nước và hơn 100 sinh viên khối ngành Sư phạm – Tâm lý Đại học Đông Á tham dự.Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu.

Diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang được cảnh báo quay trở lại với số ca nhiễm tăng, hội thảo cho thấy vai trò và sự đóng góp ngày càng lớn của Tâm lý học trong các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội; góp phần xây dựng và củng cố hệ sinh thái phát triển bền vững và hạnh phúc cho con người trong thế giới biến động.

“Đại dịch Covid–19 làm chao đảo cả thế giới. Trong 3 năm qua, những tưởng vừa đi qua được một thời gian ngắn, chúng ta chưa học xong cách thích nghi thì nay đã quay trở lại. Những tác động của nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng, khổ đau rất khó để chữa lành, nhất là những sang chấn tâm lý mà con người đã trải qua, đặc biệt là ở con trẻ, học sinh, sinh viên rất nhạy cảm.

Tại báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2021”, Unicef đưa ra cảnh báo: đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên. Những nghiên cứu, báo cáo cũng “khiên tốn” cho rằng, đại dịch có thể chỉ cho thấy “phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần”. Và Unicef đã có lời kêu gọi chính phủ các nước cùng cam kết, trao đổi và hành động, nâng cao sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em, trẻ vị thành niên”, lãnh đạo Đại học Đông Á cho biết.Các tham luận bày tỏ sự quan ngại về sức khỏe tâm lý của các em, các con.

Với phương pháp nghiên cứu chủ yếu là điều tra bằng bảng hỏi, các tham luận trình bày tại hội thảo, đều là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu về thực trạng vấn đề sức khoẻ tâm thần của các đối tượng xã hội dễ bị tổn thương trong bối cảnh trong và hậu Covid-19: Đó là: Thực trạng trầm cảm, lo âu, stress của sinh viên; Thực trạng áp lực đồng trang lứa của học sinh trung học phổ thông.

Hội thảo cũng chia sẻ, trao đổi về các kinh nghiệm và mô hình chuyển đổi hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh Covid và hậu Covid; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh; Tác động của việc học tập trực tuyến đến động lực học tập và sức khỏe tinh thần của sinh viên; Chính sách về sức khoẻ tâm thần học đường ở Việt Nam;…

Các tham luận cũng bàn đến vai trò của yêu cầu kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, tham vấn – trị liệu tâm lý, công tác xã hội, nhân viên cộng đồng, trường học, gia đình trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần; đưa ra nhiều đề xuất, sẵn sàng ứng phó vấn đề sức khỏe tinh thần trong những tình huống tương tự Covid-19.

“Đại dịch Covid-19 diễn ra trong những năm vừa qua đã và đang để lại những hậu quả nặng nề, không chỉ trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội mà tác động rất lớn đến sức khoẻ tâm thần của con người, đặc biệt là đối tượng học sinh – sinh viên. Đây là đối tượng nhạy cảm, rất dễ bị tác động mạnh mẽ và cũng chưa có sức đề kháng dồi dào trước những biến thiên của thời đại.PGS.TS Phó Đức Hoà (đang phát biểu_ – Chuyên gia dự án VVOB .

Hội thảo là diễn đàn để đề xuất những giải pháp tư vấn, hỗ trợ từ phía các chuyên gia, các nhà giáo dục và các lực lượng xã hội nhằm giúp các em tìm được sự cân bằng về sức khoẻ tâm lý, hướng đến sự phát triển toàn diện về nhân cách”, PGS.TS Phó Đức Hoà – Chuyên gia dự án VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục), tại Việt Nam, Cố vấn chuyên môn khoa Sư phạm Đại học Đông Á chia sẻ trong phần báo cáo đề dẫn hội thảo.

Hợp tác tham vấn và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh các tỉnh miền Trung
Tại hội thảo, cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác về “Tham vấn và chăm sóc sức khoẻ tinh thần” cho học sinh giữa Đại học Đông Á với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, các cơ sở giáo dục tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Hợp tác khai mở các hoạt động phối hợp, kết nối giữa giảng viên, sinh viên ngành Tâm lý học – trực thuộc khoa Sư phạm Đại học Đông Á với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, hệ thống mầm non Thần Đồng Việt, hệ thống liên cấp Sakura-Olympia (TP. Đà Nẵng) và hệ thống mầm non Montessori (Quảng Nam) trong hoạt động đánh giá, kiểm tra sàng lọc, giáo dục, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, kịp thời giúp các em cải thiện sức khỏe tâm thần, nâng cao chất lượng cuộc sống; bồi dưỡng kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho giáo viên và cán bộ phụ trách tại các đơn vị, qua đó tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.
Lộ trình triển khai các hoạt động tham vấn và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho giáo viên, cán bộ nhân viên và các em học sinh được tiến hành từ tháng 5/2023.

Các cơ sở giáo dục tham gia ký kết cũng sẽ xây dựng lộ trình tiếp nhận sinh viên các ngành thuộc khối Sư phạm Đại học Đông Á thực tập nghề nghiệp, ưu tiên tuyển dụng sinh viên làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp hàng năm cũng như góp ý cải tiến chương trình đào tạo, tham gia các chuyên đề định hướng nghề nghiệp và ngày hội việc làm thường niên.

“Chúng tôi muốn đóng góp cho cộng đồng xã hội, sự nhìn nhận thực trạng sức khoẻ tâm thần của học sinh – sinh viên sau Covid hiện nay; từ đó hướng đến sự chung sức, chung lòng phối hợp tạo ra một “cẩm nang GIA HỌC ĐƯỜNG” từ 3 phía, đó là Gia đình – Nhà trường và Xã hội, nhằm phát hiện sớm, giúp đỡ, tham vấn, trị liệu tâm lý kịp thời cho các em. Để con em chúng ta có tâm hồn minh mẫn trong cơ thể tráng kiện.PGS.TS Phó Đức Hoà (đầu tiên, bên trái) cùng TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á (thứ sáu, từ trái sang), tặng hoa và cùng chụp ảnh lưu niệm với các Thầy cô – đại các trường tham gia dự án “Tham vấn và chăm sóc sức khoẻ tinh thần” .

Thực tế yêu cầu tất cả chúng ta phải tăng cường thêm những hoạt động hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cá nhân, nhóm và cộng đồng; từ đó góp phần xây dựng và củng cố hệ sinh thái phát triển bền vững và hạnh phúc cho con người trong thế giới nhiều biến động và chưa thể bước ra khỏi cuộc chiến tranh vi trùng.
Chúng ta ở đây, trên cương vị là những người làm cha/mẹ, những nhà giáo dục mang sứ mệnh, trọng trách trong việc nuôi dưỡng, giáo dục cũng như đồng hành cùng con em, học trò của chúng ta với bao khó khăn vất vả.

Trên hành trình nầy, có nhiều “bóng ma” chen vào những lỗ hổng của chúng ta, đe doạ, truy sát các em trong từng ngày. Làm sao các em có thể an yên học tập tốt, vui chơi sinh hoạt an toàn lành mạnh, để có một tâm hồn minh mẫn trong cơ thể tráng kiện để hoạch định những việc phải làm trong đời, vững vàng đi đến một tương lai sáng tươi”, TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á khẳng định.