GD&TĐ - 2022 là năm thứ 2 Nghị định 116 có hiệu lực. Điều này tạo sức hút cho các ngành đào tạo sư phạm bởi chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên và cơ hội việc làm tốt.
Sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thi dạy học trực tuyến tại Hội thi Nghiệp vụ sư phạm năm học 2021 - 2022.
Sức hút lớn
Chia sẻ về những lợi thế khi chọn học ngành sư phạm năm 2022, TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhắc đến đầu tiên là nhiều cơ hội trúng tuyển gắn với sự đa dạng của các phương thức xét tuyển. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, các trường sư phạm đã hướng đến đa dạng hóa phương thức tuyển sinh.
Bên cạnh phương thức truyền thống được áp dụng khá đầy đủ (xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển sử dụng kết quả học tập ở phổ thông, xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT), nhiều trường sẽ tổ chức (hoặc sử dụng) kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển hoặc cộng điểm đối với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, từ năm học 2021 - 2022, Nghị định 116/2020-NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm chính thức được áp dụng. Nghị định thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo giáo viên. Sinh viên sư phạm không những được hỗ trợ tiền đóng học phí, mà còn được hỗ trợ hơn 3,6 triệu đồng tiền sinh hoạt phí hằng tháng.
Nghị định 116/2020-NĐ-CP đã tạo nên sức hút cho các thí sinh vào ngành sư phạm trong năm vừa qua, nhất là thí sinh thuộc các gia đình có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, gia đình gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19…
Cơ hội việc làm tốt cũng tạo nên sức hút trong tuyển sinh sư phạm năm nay. Theo TS Trịnh Đình Vinh, bắt đầu từ năm 2022, các trường sư phạm, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ để đặt hàng đào tạo giáo viên trên nhu cầu thực tế của địa phương. Cùng với công tác dự báo nguồn nhân lực gắn với tuyển sinh, điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh những lợi thế trên, TS Trịnh Đình Vinh cũng cho biết: Những năm gần đây, số lượng hồ sơ và điểm chuẩn đối với các ngành đào tạo giáo viên có xu hướng tăng cao. Điều này bắt nguồn từ tác động của chính sách đối với sinh viên sư phạm, sự đa dạng trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt, công tác truyền thông được các trường sư phạm đặc biệt quan tâm giúp thí sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn tính chất, vai trò và tầm quan trọng của nghề sư phạm trong bối cảnh hiện tại. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh có học lực giỏi đã quan tâm đến nhóm ngành này.
ThS Nguyễn Vinh San (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp trong một chương trình livestream cung cấp thông tin tuyển sinh cho thí sinh.
Làm sao để tăng cơ hội trúng tuyển?
Là người công tác trong ngành Giáo dục, ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng mong muốn các học sinh giỏi, có tố chất phù hợp với nghề giáo và học sinh yêu nghề giáo sẽ lựa chọn vào học sư phạm. Học sinh hội tụ các yếu tố trên sẽ giúp cho giáo dục nước ta phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, việc Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm cũng sẽ giúp học sinh khó khăn có đầy đủ điều kiện, cơ hội học tập.
“Với mức sống tại TP Đà Nẵng, sinh viên sư phạm nhận hỗ trợ từ Nghị định 116 có thể yên tâm học tập. Ngoài ra, đào tạo sư phạm hiện nay được Bộ GD&ĐT kết nối cung - cầu giữa địa phương và trường sư phạm giúp bảo đảm đầu ra cho sinh viên cũng là một lợi thế của ngành” – ThS Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Tương tự lưu ý của lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng: Nghị định 116 có hiệu lực tạo ra sức hút cho các ngành đào tạo sư phạm. Tỷ lệ “chọi” và điểm chuẩn của các ngành sư phạm dự kiến sẽ tăng cao, đặc biệt ở trường sư phạm trọng điểm. Phương thức xét tuyển của các trường đào tạo sư phạm năm 2022 không có nhiều thay đổi so với năm 2021. Học sinh cần theo dõi website tuyển sinh của các trường để cập nhật thông tin về phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, học sinh có thể lựa chọn các ngành sư phạm mới như: Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Tin học và Công nghệ Tiểu học… hoặc các ngành sư phạm thiếu nhiều giáo viên như Sư phạm Tin học, Sinh học, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non… Đối với thí sinh dự thi các ngành có môn năng khiếu như: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất cần chú ý hoàn thành đủ thủ tục đăng ký xét tuyển ngành và thi năng khiếu.
Với TS Trịnh Đình Vinh, ngành sư phạm phù hợp với những bạn trẻ có niềm đam mê với nghề dạy học, khát vọng cống hiến cho ngành Giáo dục và cho cộng đồng, có năng lực tư duy, khả năng tự học và sáng tạo, biết truyền cảm hứng và hướng dẫn, truyền thụ hiểu biết cho người khác. Bên cạnh đó, học sinh cần thể hiện tố chất và sự say mê về một lĩnh vực khoa học (tự nhiên, xã hội, công nghệ, nghệ thuật...) hoặc môn học cụ thể nào đó, đây là tiền đề để phát triển chuyên môn giảng dạy sau này.
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, lời khuyên TS Trịnh Đình Vinh đưa ra là thí sinh cần lưu ý lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường của mình và đáp ứng được yêu cầu xã hội sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu kỹ Đề án tuyển sinh năm 2022 của trường; chú ý các yêu cầu về học lực, hạnh kiểm đối với từng phương thức xét tuyển. Lựa chọn phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển phù hợp. Khi được phép thay đổi nguyện vọng, cần cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý (chọn ngành phù hợp với mức điểm đạt được để tăng cơ hội trúng tuyển).
Bên cạnh đam mê nghề dạy học, một lý do Lê Minh Thông (sinh viên năm nhất Khoa Sư phạm Địa lý, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế) thi vào sư phạm là vì được tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội đầu ra rộng mở. “Những hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm giúp em tiết kiệm được một khoản tiền để học IELTS, tham gia các khóa học kỹ năng mềm, học tin học văn phòng, học cao học (nếu có thể )… và thực hiện nhiều dự định tương lai. Em ấp ủ sẽ xây dựng những tủ sách cộng đồng cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa và hoạt động cộng đồng khác, mong đóng góp phần nào đó cho ngành Giáo dục”, Lê Minh Thông chia sẻ. |