GD&TĐ - Tuần qua, Bộ GD&ĐT công bố lịch chi tiết Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, lên tiếng giải thích việc Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn với lớp 10 cấp THPT;… - là những nội dung được quan tâm.
Ảnh minh hoạ/INT.
Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thông tin tại giao ban báo chí thường kỳ của Ban tuyên giáo TW sáng 19/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trên cơ sở đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để quyết định Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo đó, Kỳ thi năm nay giữ ổn định về cơ bản phương thức tổ chức như năm 2021, được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GD&ĐT và các địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi.
Trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể tổ chức đợt thi bổ sung cho các thí sinh không thể tham dự Kỳ thi vào thời gian nói trên do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.
Cũng trong tuần, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn số 1523/BGDĐT-QLCL về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; trong đó có lịch thi chi tiết từ ngày 6-9/7/2022.
Lịch công tác Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được ban hành kèm theo hướng dẫn này. Theo đó, tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành chậm nhất ngày 21/4;
Tổ chức tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi, hoàn thành trước ngày 26/4;
Lập và giao tài khoản cho thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 từ ngày 26/4 đến hết ngày 28/4;
Thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi từ ngày 26/4 đến hết ngày 3/5;
Tổ chức cho thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.
Ảnh minh hoạ/INT.
Tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp trên cả nước đạt 99,57%
Khi học sinh trở lại trường học tập, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.
Tại giao ban báo chí thường kỳ của Ban tuyên giáo Trung ương ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hiện, 63/63 tỉnh/thành phố đã tổ chức cho học sinh các cấp học tập trực tiếp. Số lượng và tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp: Tổng số huyện, quận, thị xã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là 705/705. Tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp tính đến trưa 18/4 đạt 99,57% |
Đồng thời yêu cầu nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến. Dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Ảnh minh hoạ/INT.
Ý kiến Bộ GD&ĐT về Lịch sử thành môn học tự chọn từ lớp 10
Trước một số ý kiến xung quanh vấn đề môn Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo T.Ư sáng 19/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo Chương trình giáo dục năm 2018, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống.
Trong Chương trình này, trong sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, môn lịch sử được bố trí dạy như sau:
Ở cấp học THCS, giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9), nội dung chương trình cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
“Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Ở cấp THPT, giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.
Ở giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).
Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến đến lớp 12.
Thứ trưởng khẳng định: “Với cách bố trí như vậy, môn lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông”.